/ Thư viện pháp luật
/ 05 nhóm chính sách nổi bật tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

05 nhóm chính sách nổi bật tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

04/07/2023 06:57 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật được xây dựng phù hợp với 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).

Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở kế thừa Điều 1 của Luật Công chứng năm 2014, dự án Luật đã bổ sung các quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Công chứng quy định về công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), việc hành nghề công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Dự án Luật được xây dựng phù hợp với 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), cụ thể như sau:

- Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của CCV; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp.

- Phát triển đội ngũ CCV theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.

- Phát triển các TCHNCC ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho CCV thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của CCV, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.

Theo Bộ Tư pháp cho biết, qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển (số lượng CCV tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng TCHNCC tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành). Chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Trong hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.

Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục như:

- Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

- Định hướng và việc triển khai định hướng phát triển TCHNCC tại các địa phương còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều.

- Một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho cả CCV trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho TCHNCC và người dân, doanh nghiệp.

- Luật Công chứng hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. 

- Chất lượng đội ngũ CCV còn chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội;...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

PV

Bùi Thị Thanh Loan