/ Tư vấn
/ Anh X có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phòng vệ chính đáng?

Anh X có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phòng vệ chính đáng?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tối ngày 20/2/2021, trên đường từ cơ quan về nhà, anh X (sinh năm 1990) đang đi xe máy thì bị hai đối tượng là H (sinh năm 1995) và K (sinh năm 1996) ép sát xe để định cướp tài sản, hành vi này khiến anh X ngã vào lề đường. Trong quá trình hai bên giằng co, anh X đã với lấy viên gạch có sẵn bên đường và đánh vào người của H khiến H bị thương với kết quả giám định thương tích là 15% và cũng khiến K bị thương với kết quả giám định là 13%. Vậy anh X có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phòng vệ chính đáng?

Ảnh minh họa

Theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Phòng vệ chính đáng như sau: 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Nếu hành vi của người phòng vệ rõ ràng là vượt quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công thì phải chịu trách nhiệm hình sự về phần vượt quá đó. Đồng thời căn cứ vào Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán về việc Hướng dẫn áp dụng một số quy định Bộ luât Hình sự thì một trong những phương tiện nguy hiểm có sẵn trong tự nhiên đó là gạch.

Do đó, hành vi của anh X trong trường hợp này tùy theo mức độ nặng nhẹ và tỷ lệ tổn thương cơ thể có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Mặt khác theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, như sau:

1.    Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2.    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3.    Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Đồng thời tỷ lệ thương tích của H là 15% và K là 13% không thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 136 của Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Từ những căn cứ pháp lý nên trên có thể thấy hành vi của anh X không thuộc vào trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, do đó anh không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với thương tích đã gây ra cho H và K. 

VŨ THỦY

Phòng vệ chính đáng vẫn có tội

Admin