/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Một số bất cập và đế xuất hoàn thiện

Áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Một số bất cập và đế xuất hoàn thiện

23/05/2024 06:29 |

(LSVN) - Tạm giữ người theo thủ hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi gây thương tích cho người khác; hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng biện pháp này trên thực tế và kiến nghị đề xuất hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, thể hiện bằng việc người có thẩm quyền tước quyền tự do đi lại, cư trú của một cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định, khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Trong thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lực lượng chức năng áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính với mục đích đình chỉ, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, ngăn chặn hậu quả tác hại do hành vi vi phạm gây ra, tiến hành xác minh làm rõ nội dung vụ việc, nhân thân đối tượng một cách chính xác, kịp thời, khách quan toàn diện, từ đó có biện pháp xử lý đúng người, đúng hành vi, tránh bỏ lọt vi phạm cũng như không làm oan, làm sai trong thực tiễn áp dụng pháp luật nói chung và pháp luật hành chính nói riêng. Để quyền con người, quyền công dân được bảo đảm thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Những quy định của pháp luật về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính là một trong chín biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 119, về căn cứ áp dụng, trình tự thủ tục, thời hạn được quy định tại Điều 122, thẩm quyền áp dụng được quy định tại Điều 123 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tại Chương III Nghị định số 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải đúng căn cứ theo quy định của pháp luật.

Về căn cứ tạm giữ: Theo quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 16 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 5 trường hợp: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Về thẩm quyền tạm giữ người: Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 17 Nghị định số 142/2021/ NĐ-CP và Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật liên quan trong từng lĩnh vực cụ thể.

Về thời hạn tạm giữ: Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp bị tạm giữ ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Về nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung. Cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm pháp luật mà thường xuyên phải tạm giữ người vi phạm hành chính cần bố trí, thiết kế, xây dựng nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính riêng, trong đó cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ hoặc người nước ngoài và phải có cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ. Đối với trường hợp tạm giữ người quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính.

Đối với tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu quyết định nơi tạm giữ và phân công người thực hiện việc tạm giữ. Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

Khó khăn, vướng mắc về áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã bổ sung các trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính là bước pháp điển hóa tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng trong thực thi công vụ có đủ cơ sở pháp lý để đình chỉ, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và tiến tới xử lý kịp thời, khách quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng biện pháp này vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc phát sinh như:

Một là, mặc dù pháp luật hiện hành quy định 05 căn cứ tạm giữ người theo thủ tục hành chính, tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hành vi vi phạm xảy ra cần được ngăn chặn, xử lý, xác minh nhưng không thuộc các trường hợp được tạm giữ hành chính, trong khi các trường hợp này chưa đủ căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, gây khó khăn cho công tác xác minh và xử lý tiếp theo. Có thể kể đến một số hành vi vi phạm như: đánh bạc, tàng trữ trái phép chấp ma túy, trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán dâm… chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng không có nơi cư trú ổn định. Các vụ, việc cần định giá tài sản, xác minh thông tin về người, về giấy tờ nguồn gốc của tài sản, thu thập chứng cứ, làm rõ mức độ vi phạm mới đủ căn cứ, quyết định mức độ xử lý là vi phạm hành chính hay tội phạm, cần phải thực hiện việc tạm giữ hành chính để xác minh, củng cố tài liệu, hồ sơ và các hành vi vi phạm khác nhưng lại không được tạm giữ hành chính, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.

Hai là, về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính là không quá 12 giờ, trường hợp cần thiết thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm, nhưng thực tế cho thấy có nhiều trường hợp vi phạm cần xác minh, làm rõ lai lịch nhân thân, giá trị hàng hóa, thu thập liệu chứng cứ và hồ sơ liên quan đến đối tượng vi phạm thì thời hạn tạm giữ như trên là không đủ để cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục cần thiết, gây khó khăn cho các lực lượng trong việc quản lý đối tượng vi phạm và áp dụng các hình thức xử lý thay thế khác. Bên cạnh đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính nhằm mục đích xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là 05 ngày, việc quy định như vậy không đảm bảo tính đồng nhất về thời gian. Ví dụ, đối tượng Nguyễn Văn A. bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính vào hồi 23h30 phút thì đến 0h00 phút ngày hôm sau được xác định là 01 ngày, như vậy chỉ có 30 phút là chuyển sang ngày mới được tính là 01 ngày, thực tế gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong áp dụng thời hạn tạm giữ để xác định tình trạng nghiện theo quy định của Bộ Y tế.

Ba là, về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ theo thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, hiện nay Việt Nam đạt 100% lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy. Tuy nhiên, do mới triển khai về cơ sở nên Công an các đơn vị, địa phương nhiều nơi chưa có nhà tạm giữ phục vụ công tác tạm giữ người theo thủ tục hành chính, một số Công an xã còn phải ở chung cùng nhà làm việc của ủy ban nhân dân hoặc cơ quan khác, thiếu phòng làm việc, một số trường hợp phải tạm giữ hành chính ở phòng làm việc, phòng trực ban; ở đơn vị có buồng tạm giữ hành chính thì cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính còn hạn chế so với quy định.

Một số kiến nghị, đề xuất hoàn thiện

Để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 142/2021/NĐ-CP về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Theo đó, có thể mở rộng phạm vi đối tượng bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đối với các hành vi vi phạm khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như đánh bạc, trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, chống người thi hành công vụ, mua bán dâm… nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thứ hai, nên quy định tăng thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính là 72 giờ thay cho 24 giờ để lực lượng chức năng có thêm thời gian xác minh làm rõ vụ việc, phục vụ công tác xử lý chính xác, khách quan và toàn diện. Bên cạnh đó cần nghiên cứu sửa đổi thời hạn tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 05 ngày sang 120 giờ để đảm bảo tính đồng nhất theo quy định đối với các trường hợp khác, giúp lực lượng chức năng dễ dàng áp dụng trong thực tiễn công tác.

Thứ ba, bổ sung kinh phí xây dựng trụ sở Công an cấp xã, bố trí xây dựng nhà tạm giữ, buồng tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm pháp luật mà thường xuyên phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính và tăng cường cơ chế, chính sách và trang thiết bị cho lực lượng chức năng trong thực thi công vụ nhiệm vụ.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.

2. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

3. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

4. Luật Hải quan năm 2022.

5. Pháp lệnh số 03/2021/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân.

6. Nghị định số 142/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo TTHC và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh.

7. Thông tư số 18/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.

LÊ NGỌC KHUÊ

Học viện Cảnh sát Nhân dân

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 73/2015/TTLT-BTC-TTCP về trang phục thanh tra

Nguyễn Hoàng Lâm