/ Tin nổi bật
/ Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa: Cần làm rõ Công an nơi nào lập hồ sơ

Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa: Cần làm rõ Công an nơi nào lập hồ sơ

15/12/2022 14:23 |

(LSVN) - Thực tiễn có những hành vi vi phạm được đối tượng thực hiện ở nhiều địa phương, khi đó, nhiều Tòa án cấp huyện ở các địa phương đều là nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm. Do đó, cần phải có quy định cụ thể để thống nhất trong việc áp dụng sau này, trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại nhiều địa bàn.

Vừa qua, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi). Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo pháp lệnh. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.

So với pháp lệnh hiện hành, dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi) quy định mới hai điều (Điều 7 và Điều 44) và sửa 42/42 điều.

Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND (sửa đổi) có 05 chương và 44 Điều. Trong đó, tại chương 1 về những quy định chung, quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Chương 2 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Chương 3 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

Chương 4 quy định về khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Chương 5 quy định điều khoản thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Trong đó, phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị làm rõ điểm b khoản 1 Điều 3 dự thảo quy định: “TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm thì có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

“Chúng tôi đề nghị phải làm rõ TAND cấp huyện nào, bởi vì quy định chung như thế này chưa thực sự chính xác, có một số hành vi sẽ khó xác định”, bà Oanh nói. Theo bà Oanh, thực tiễn có những hành vi vi phạm được đối tượng thực hiện ở nhiều địa phương (như các vi phạm về an ninh mạng). Khi đó, nhiều Tòa án cấp huyện ở các địa phương đều là nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm. Do đó, cần phải có quy định cụ thể để thống nhất trong việc áp dụng sau này, trong trường hợp hành vi vi phạm xảy ra tại nhiều địa bàn. Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất Tòa án có thẩm quyền xử lý có thể là TAND cấp huyện nơi thực hiện hành vi cuối cùng.

Giải đáp về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Ở đây, có thể nói rõ hơn là Tòa án nhận hồ sơ. Nhiều trường hợp sống ở tỉnh, thành phố khác nhưng vào TP. HCM lang thang mà vi phạm. Công an ở đâu lập hồ sơ thì Tòa án nơi nhận được hồ sơ sẽ phải xử lý”. Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết thêm, theo tổng kết, đánh giá thì phần lớn Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú nhưng cũng có một số ít trường hợp là những nơi khác.

PV

Tiền thuế nộp thừa quá thời hạn 10 năm có được hoàn?

Bùi Thị Thanh Loan