/ Đời sống - Xã hội
/ Ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2021

Ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2021

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 18/12, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời gian triển khai từ ngày 20/12/2020 đến ngày 28/02/2021. 

Đoàn kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) ban hành Kế hoạch 540/KH-BCĐ389 ngày 18/12 vừa ra Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với thời gian triển khai ngày 20/12/2020 đến ngày 28/02/2021.

Kế hoạch này nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả.

Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và đặc biệt trong thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các đơn vị cần xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại...

Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.

Ban Chỉ đạo 389 cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ, tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Cần chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Bên cạnh đó, Kế hoạch 540/KH-BCĐ389 cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ đạo 389 Bộ Công an, Ban chỉ đạo 1389 bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 bộ Công Thương, và Ban Chỉ đạo 389 Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải…chủ động thành lập các đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ để đôn đốc, giám sát hoạt động của các lực lượng tại địa phương.

Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bảo đảm các sở, ngành, lực lượng chức năng cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá; đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp.

Theo Ban chỉ đạo 389, tính đến ngày 15/11 đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 20.065 tỉ đồng; khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng.

Liên quan đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên “nở rộ”, Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay: "Hiện, người tiêu dùng vẫn có sự “thỏa hiệp” với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Thực tế, người dân, dù biết đó là hàng giả, nhưng vẫn mua vì giá rất rẻ".

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố. Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, phòng chống vi phạm, nhưng nhiều địa bàn vẫn tái diễn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu.

NGỌC NHI

/ha-noi-xin-y-kien-chinh-phu-chu-truong-ban-phao-hoa-dip-tet-duong-lich-2021.html