/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về công tác giám định tư pháp

Bàn về công tác giám định tư pháp

06/06/2023 06:40 |

(LSVN) - Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kĩ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án.

Ảnh minh họa.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 1, Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 thì giám định tư pháp được định nghĩa như sau: "Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này".

Đặc trưng cơ bản của hoạt động giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn do chuyên gia thực hiện, để phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thu thập chứng cứ và một trong những biện pháp đó là trưng cầu giám định tư pháp.

Theo quy định của pháp luật tố tụng thì trong một số trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định tư pháp. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu bất cứ chuyên gia nào có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn liên quan đến vụ án để thực hiện giám định. Khi thực hiện giám định, người giám định tư pháp phải sử dụng những kiến thức nghiệp vụ, phương pháp phù hợp và phải thực hiện đúng các quy chuẩn chuyên môn của từng lĩnh vực cụ thể để thực hiện giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình thực hiện. Xuất phát từ nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân nên khi thực hiện giám định, người giám định không phải chịu chi phối từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Hoạt động giám định tư pháp không mang tính quyền lực Nhà nước. Mục đích hoạt động giám định tư pháp được thực hiện nhằm cung cấp các chứng cứ để phục vụ cho việc giải quyết các vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, hiện nay, nhu cầu cần giám định để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ, giao dịch dân sự của tổ chức, cá nhân ngày một nhiều.

Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp, đấu tranh chống tội phạm, công tác giám định tư pháp đã góp phần  không nhỏ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập như sau:

Một là, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp ban hành chưa đầy đủ, kịp thời, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, như: quy trình giám định tư pháp; vấn đề quyền giám định lại của Tòa án; vấn đề giám định lại mức độ thương tật được thực hiện mấy lần và do cơ quan nào quyết định; chưa quy định rõ cơ chế phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng; chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và các văn bản pháp luật về giám định tư pháp. Pháp luật chưa quy định thời hạn giám định dẫn đến nhiều vụ thời gian giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án; chưa quy định thời gian đưa đi giám định dẫn đến nhiều vụ chậm đi giám định ảnh hưởng đến kết quả giám định tại đúng thời điểm xảy ra thiệt hại.

Hai là, đối với các vụ án hình sự về loại tội xâm phạm sở hữu hoặc chiếm đoạt tài sản mà đối tượng bị chiếm đoạt là vàng, bạc, đá quý, nhưng trong quá trình điều tra không thu giữ được tang vật, nên khi tiến hành trưng cầu giám định thì Tổ chức giám định từ chối giám định vì không có đối tượng để giám định, dẫn đến Hội đồng định giá không thể định giá được tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu, vì nguyên tắc phải xác định được tuổi vàng, bạc hoặc loại đá quý, trọng lượng là bao nhiêu thì Hội đồng định giá mới định giá được giá trị tài sản. Cho nên các vụ án trên không đủ căn cứ để giải quyết, vì yếu tố cấu thành định tội hoặc định khung là bắt buộc phải có định lượng (trị giá tài sản bị chiếm đoạt). Nếu cứ tiến hành định giá tài sản mà không căn cứ vào kết luận giám định sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ba là, có những vụ việc có nội dung cần trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức mà không thể tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định hoặc khó khăn trong việc xác định nội dung cần trưng cầu giám định thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào dẫn đến trưng cầu sai cơ quan, tổ chức thực hiện giám định. Việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đôi khi nội dung trưng cầu vượt quá khả năng chuyên môn của tổ chức, cá nhân được trưng cầu hoặc nội dung trưng cầu chưa rõ ràng, cụ thể; ấn định thời gian giám định chưa phù hợp với tính chất, quy mô của đối tượng cần giám định; một số vụ việc, cơ quan trưng cầu không bàn giao hiện trường, đối tượng và hồ sơ phục vụ giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Hầu hết các lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn chuyên môn giám định, nhiều vụ việc phải giám định lại nhiều lần với kết quả khác nhau, kết luận giám định tư pháp ở một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan thậm chí mâu thuẫn gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.

Bốn là, đa số các cơ quan tố tụng thường tập trung trưng cầu tổ chức giám định công lập, chưa trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực Nhà nước; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định; một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, đùn đẩy việc tiếp nhận trưng cầu giám định; điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ... còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không rõ ràng những nội dung được yêu cầu, nhất là kết luận giám định trong trường hợp là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất khiến cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong giải quyết vụ án; có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng...

Kiến nghị

- Cần có văn bản hướng dẫn đầy đủ về thời hạn, quy trình giám định tư pháp; xác định rõ ngoài các trường hợp giám định bắt buộc, còn những trường hợp nào, nội dung nào được trưng cầu, trường hợp nào, nội dung nào không được trưng cầu, xác định rõ trách nhiệm của người trưng cầu giám định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện giám định;

- Cần xác định trong trường hợp nào thì tiến hành giám định hoặc trường hợp nào không cần thiết phải giám định vàng, bạc, đá quý. Việc sử dụng kết luận định giá tài sản là vàng, bạc, đá quý khi không phải căn cứ vào kết luận giám định nhằm đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được kịp thời, triệt để;

- Hoàn thiện quy định về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, theo hướng phân biệt rõ trách nhiệm của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo khối công và khối tư, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc khối công và khối tư; quy định chặt chẽ, rõ ràng về việc lập và công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để phục vụ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế;

- Sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa người trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý; giữa bộ, ngành quản lý chung (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) với bộ, ngành chủ quản; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp, trong đó xác định rõ nội dung, cách thức, cơ chế phối hợp cho phù hợp với tính chất đặc thù của giám định tư pháp. Nên giao cho cơ quan trưng cầu giám định giữ vai trò là cơ quan điều phối trong trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan trưng cầu giám định chủ trì, phối hợp với giám định viên/người giám định của cơ quan, tổ chức được trưng cầu để giải quyết.

NGUYỄN THỊ YẾN HOA

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Căn cứ xác lập quyền sở hữu theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Nguyễn Hoàng Lâm