/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về điều kiện miễn hình phạt theo Bộ luật Hình sự

Bàn về điều kiện miễn hình phạt theo Bộ luật Hình sự

19/06/2023 05:26 |

(LSVN) - Đây là một quy định thể hiện tính nhân đạo sâu sắc. Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất là hình phạt. Miễn hình phạt chỉ đặt ra cho những trường hợp việc áp dụng hình phạt đối với họ là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Quy định về điều kiện miễn hình phạt

Điều 59 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: 

“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.

Các quan điểm khác nhau về điều kiện miễn hình phạt

Quan điểm thứ nhất, người phạm tội phải thuộc đồng thời hai trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS, có nghĩa người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể; người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. 

Quan điểm này được số đông tán thành bởi quy định của Điều 59 BLHS là dùng từ “và”. Có nghĩa phải thuộc cả hai trường hợp.

Quan điểm thứ hai, người phạm tội chỉ cần thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 BLHS và đáng được khoan hồng đặc biệt thì có thể miễn hình phạt.

Tác giả đồng ý với quan điểm này bởi vì mặc dù BLHS dùng từ “và” tại Điều 59 nhưng khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS là không hoàn toàn độc lập với nhau. Có nghĩa là một người phạm tội hoàn toàn có thể thuộc cả hai trường hợp đó, ví dụ một người đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể hoàn toàn có thể có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BHS. Chính vì vậy, BLHS sử dụng từ “và” với mục đích bao quát tất cả các khả năng trên thực tế. 

Nếu hiểu theo quan điểm thứ nhất thì việc miễn hình phạt sẽ chỉ được áp dụng trong các vụ án có đồng phạm, trong khi có những vụ án chỉ có một bị cáo nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết khác của vụ án thể hiện việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội là không cần thiết thì họ lại không được miễn hình phạt. 

Đồng thời, hiểu theo quan điểm thứ hai là phù hợp với cách hiểu theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Nghị quyết này mặc dù không hướng dẫn cụ thể việc miễn hình phạt nhưng lại có quy định hướng dẫn việc miễn hình phạt đối với các tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ. 

Theo đó, khoản 3 Điều 5 Nghị quyết này quy định: “Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau…”.

Như vậy, hướng dẫn này nêu rõ “có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 59 BLHS hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức…”. Theo đó, chỉ cần một trong hai trường hợp trên thì có thể miễn hình phạt đối với người phạm tội.

Do đó, tác giả cho rằng cần hiểu theo quan điểm thứ hai là chính xác và phù hợp với thực tiễn xét xử, đường lối nhân đạo, khoan hồng của Việt Nam.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân

Bùi Thị Thanh Loan