/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về tình tiết ‘dùng thủ đoạn nguy hiểm’ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015

Bàn về tình tiết ‘dùng thủ đoạn nguy hiểm’ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự (BLHS)  năm 2015 là tình tiết định khung tăng nặng. Đây cũng là tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 136 BLHS năm 1999, tình tiết này đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 (Thông tư liên tịch số 02/2001).

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS năm 2015 là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy…

Cần chú ý trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải áo dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và h khoản 2 Điều 136 BLHS năm 2015.

Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về hướng dẫn trên, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Ví dụ đối với vụ án cụ thể sau, vào khoảng 21h30 ngày 21/3/2021, tại đường Lênin, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, lợi dụng lúc đường vắng Nguyễn Văn K. sử dụng xe mô tô chở Nguyễn Văn H. thực hiện hành vi giật túi xách của chị Hồ Thị O. đang đi bộ, làm chị O. ngã xuống đường nhưng không gây ra thương tích. Đến 22h cùng ngày Nguyễn Văn K. và Nguyễn Văn H. bị Tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Vinh phát hiện nghi vấn, đưa về trụ sở làm việc. Tại đây cả hai đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đối với vụ án trên hiện có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Nguyễn Văn K., Nguyễn Văn H. phải bị điều tra, truy tố, xét xử theo điểm d khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015. Vì “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 được hiểu là người phạm tội dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện hành vi cướp giật tài sản là dùng thủ đoạn nguy hiểm bất kể khi người bị cướp giật đang đi bộ hay đi mô tô, xe máy hoặc người phạm tội đi bộ nhưng cướp của người đang đi mô tô, xe máy.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ áp dụng tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 171 khi người thực hiện hành vi cướp giật đó phải cướp giật của người cũng đang sử dụng phượng tiện là mô tô hoặc xe máy và phải gây ra hậu quả hoặc có nguy cơ thực tế gây ra hậu quả nguy hiểm cho tính mạng sức khoẻ của người bị hại. Còn người phạm tội cho dù có dùng mô tô hoặc xe máy cướp giật của người đi bộ mà không gây ra hậu quả nguy hiểm cho họ như làm họ ngã hay có thương tích gì, nhất là ở nơi vắng vẻ ít người qua lại thì tính nguy hiểm không cao và không áp dụng tình tiết định khung này. Do đó, hành vi của K. và H. chỉ cấu thành tội “Cướp giật tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS năm 2015.

Theo tác giả, quan điểm thứ hai là không phù hợp và đồng ý với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, điểm d khoản 2 Điều 171 chỉ quy định “dùng thủ đoạn nguy hiểm”; thủ đoạn nguy hiểm đã được quy định tại Thông tư liên tịch 02/2001 là dùng mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật tài sản của người đang đi mô tô, xe máy… Quy định trên gồm hai trường hợp khác nhau:

Trường hợp thứ nhất, dùng mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản có nghĩa là người phạm tội sử dụng mô tô, xe máy để thực hiện hành vi cướp giật tài sản của người khác bất kể khi người đó đang sử dụng bất kì phương tiện nào khác hoặc đi bộ thì đều phải áp dụng tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm”.

Trường hợp thứ hai, cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy tức là nếu người phạm tội đi bộ mà cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy cũng được coi là dùng thủ đoạn nguy hiểm.

Cách hiểu quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001 như quan điểm thứ nhất là phù hợp bởi thủ đoạn của người phạm tội dùng mô tô, xe máy để cướp giật tài sản hoặc người phạm tội đi bộ mà cướp giật tài sản của người đang đi mô tô, xe máy thực tế đều sẽ gây nguy hiểm hoặc có nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người bị hại.

Hơn nữa, cấu thành cơ bản tại Điều 171 là cấu thành hình thức không phải đợi tới khi hậu quả xảy ra mới cấu thành tội phạm. Ngoài ra, trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm gây thương tích cho người bị hại từ 11% đến 30% hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác còn bị áp dụng thêm các tình tiết định khung quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015.

Do đó, không thể quan niệm cho rằng người bị hại đi bộ bị người phạm tội dùng mô tô, xe máy cướp giật tài sản ở nơi vắng vẻ hoặc chưa gây thương tích hoặc tổn thương cơ thể là tính nguy hiểm không cao để không áp dụng tình tiết định khung này được.

Ngoài ra, ngày 08/10/2021, Toà án nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TANDTC về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Toà án nhân dân tối cao. Theo đó, Thông tư liên tịch số 02/2001 đã hết hiệu lực pháp luật từ ngày 08/10/2021. Vì vậy, Toà án nhân dân Tối cao cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế Thông tư liên tịch số 02/2001 để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

TRẦN QUANG HIẾU

Thẩm tra viên Toà án quân sự Khu vực Quân khu 4

Bàn về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp kết án sai tội danh

Lê Minh Hoàng