/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về tội ‘Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp’

Bàn về tội ‘Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp’

01/12/2022 10:13 |

(LSVN) - Hiện nay, chủ thể vi phạm pháp luật mà đặc biệt là chủ thể thực hiện tội phạm đang ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”. Việc người dưới 18 tuổi phạm pháp đã và đang dần trở nên quen thuộc và phổ biến. Tình trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể loại trừ nguyên nhân từ sự tác động (dụ dỗ, ép buộc,…) của các đối tượng khác.

Ảnh minh họa.

Xuất phát từ tính chất nguy hiểm của hành vi đó mà Bộ luật Hình sự (BLHS) đã quy định về tội “Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp”. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn một số điểm chưa hợp lý cần bàn luận và hoàn thiện.

Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;

c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi;

d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Về phạm vi nội dung

Điều 325 BLHS vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp.

Trước hết, đó là sự thống nhất giữa tên tội danh và phạm vi nội dung được quy định. Theo đó, tên tội danh được quy định là “Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp”. Ở đây, có thể thấy từ tên tội danh đã quy định về hành vi bao gồm “dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp” người dưới 18 tuổi “phạm pháp”. Nhưng trong nội dung điều luật thì không chỉ dừng lại ở những hành vi này mà còn nhiều hành vi khác là “rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực, hành vi khác ép buộc…” người dưới 18 tuổi phạm pháp hoặc “sống sa đọa”. 

Như vậy, đã có sự không thống nhất giữa tội danh và các hành vi được nêu trong cấu thành tội phạm này.

Thứ hai, theo quy định của Điều 325 thì “dụ dỗ”, “xúi giục”, “kích động” là ba hành vi khác nhau. Trong khi đó, quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS được hiểu “xúi giục” chính là “kích động, dụ dỗ, thúc đẩy”. Như vậy, các quy định này là không thống nhất với nhau. 

Theo tác giả, theo nghĩa tiếng Việt, quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS là phù hợp. Do đó, cần quy định gọn các dấu hiệu hành vi của Điều 325 theo hướng bỏ các dấu hiệu “kích động, dụ dỗ”.

Thứ ba, điều luật quy định các thuật ngữ không thống nhất. Rõ ràng, tên điều luật quy định “người dưới 18 tuổi phạm pháp”. Phạm pháp được hiểu là “vi phạm pháp luật”, tức là được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó phạm tội chỉ là một bộ phận của phạm pháp. Trong khi đó, nội dung điều luật lại quy định “phạm tội”, “sống sa đọa” và “phạm pháp”, “thực hiện tội phạm”. Việc này vừa tạo nên sự không thống nhất, không khoa học và khó hiểu. Chưa kể, thế nào là “sống sa đọa”, căn cứ vào đâu để xác định một người có “sống sa đọa” hay không cũng chưa được hướng dẫn. Liệu có thể hiểu “sống sa đọa” đơn thuần theo nghĩa tiếng Việt để xử lý được hay không thì vẫn còn nhiều băn khoăn. Thậm chí, nếu hiểu theo nghĩa tiếng Việt thì cũng thiếu căn cứ để xác định.

Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là người đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, người dưới 18 tuổi không thể là chủ thể của tội phạm này. Vậy khi người dưới 18 tuổi có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục, kích động,… người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì xử lý như thế nào? Trường hợp này, cả lý luận và thực tiễn đều dễ xảy ra khả năng người dưới 18 tuổi xúi giục, kích động, lôi kéo, dụ dỗ… sẽ trở thành đồng phạm của người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này là phù hợp với quy định về đồng phạm của BLHS. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ, sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn. Đó là khi cùng một hành vi dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo,… người dưới 18 tuổi phạm tội, thì người đủ 18 tuổi trở lên có thể bị truy cứu về tội phạm này, nhưng người dưới 18 tuổi lại không bị truy cứu về tội này mà có thể bị truy cứu về tội nặng hơn. Điều này là đi ngược nguyên tắc của BLHS.

Về các hành vi khách quan

Mặc dù điều luật đưa ra rất nhiều hành vi khác nhau, trong đó có những hành vi trùng lặp về nội hàm, nhưng một số hành vi trên thực tiễn vẫn chưa được liệt kê như hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc phạm pháp, sống sa đọa (như cho tiền, mua công cụ, phương tiện,…), tạo điều kiện tinh thần (như tuyên dương, khen thưởng,…) hoặc hành vi không hành động nhằm tạo điều kiện cho người dưới 18 tuổi phạm pháp.

Về nội hàm “phạm pháp”

Phạm pháp như đã phân tích ở trên được hiểu là vi phạm pháp luật, trong đó bao hàm việc phạm tội. Từ cách hiểu này có thể dẫn đến vấn đề như sau: Có hai trường hợp, trong đó đều có người đủ 18 tuổi trở lên dụ dỗ, kích động, lôi kép, ép buộc… người dưới 18 tuổi phạm tội “Giết người”.

Trường hợp 1: Nếu người dưới 18 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự (do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) thì người dụ dỗ, kích động, lôi kéo,… phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với vai trò người thực hành gián tiếp.

Trường hợp 2: Nếu người dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” thì lúc này, người dụ dỗ, kích động, lôi kéo,… phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào? Về tội “Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm tội” hay đồng phạm tội “Giết người” hay cả hai tội. Nếu là cả hai tội sẽ xảy ra việc cùng một hành vi nhưng phạm hai tội khác nhau, điều này là không đúng.

Do đó, vấn đề mấu chốt ở đây là cần loại bỏ việc “phạm tội” ra khỏi nội hàm “phạm pháp”. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề như ví dụ vừa nêu, mà còn giải quyết được bất cập về chủ thể của tội phạm như đã phân tích ở trên, theo đó sẽ loại bỏ được trường hợp cùng một hành vi nhưng người dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn người đủ 18 tuổi trở lên.

Về hình phạt

Về hình phạt, tác giả cho rằng chưa có sự phân hóa hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ của từng hành vi. Đối với điểm a, b khoản 1 và khoản 2 quy định mức hình phạt là phù hợp. Riêng đối với điểm c khoản 1 nếu quy định cùng mức hình phạt với điểm a, b thì không tương xứng. Rõ ràng, việc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp có nhiều trường hợp, trong đó có trường chứa chấp phạm tội và chứa chấp người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật khác. 

Nếu hành vi chứa chấp người dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì khung hình phạt 01-05 năm là quá nặng. Trong khi đối chiếu với BLHS, một số tội phạm khác xâm phạm sức khỏe, thân thể, tài sản của bị hại nhưng vẫn được phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc từ 01-03 năm tù (có thể cho hưởng án treo).

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân