/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp

Bàn về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp được đề cập trong khá nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích làm rõ những điểm bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Ảnh minh họa. 

Người quản lý doanh nghiệp là người được bầu hoặc bổ nhiệm để quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp. Việc xác định chủ thể nào là người quản lý doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của họ trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hiện nay, khái niệm người quản lý doanh nghiệp được ghi nhận chính thức tại khoản 24 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật Doanh nghiệp) như sau: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty”.

Như vậy, bên cạnh các chức danh được liệt kê cụ thể thì những chủ thể khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty cũng được xác định là người quản lý doanh nghiệp. Những người này có thể là trưởng, phó các phòng, giám đốc các chi nhánh được điều lệ công ty quy định quyền được ký kết các giao dịch nhân danh công ty.

Mặt khác, theo quy định nêu trên thì người quản lý doanh nghiệp chỉ có thể là cá nhân, không thể là tổ chức. Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt khái niệm người quản lý doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đây là hai khái niệm không đồng nhất với nhau, mặc dù người quản lý doanh nghiệp cũng có thể đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật [1].

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện. Số lượng cụ thể, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật do điều lệ công ty quy định. Như vậy, có thể nhận thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp, những không phải tất cả những người quản lý doanh nghiệp đều là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chỉ những chức danh quản lý được điều lệ quy định mới là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trách nhiệm liên đới là một quan hệ nghĩa vụ và cũng là một dạng trách nhiệm dân sự. Theo Từ điển tiếng Việt thì thuật ngữ liên đới có nghĩa là có sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm” [2]. Thuật ngữ trách nhiệm liên đới dùng để chỉ trường hợp nhiều người cùng phải thực hiệm một nghĩa vụ. Trong quan hệ nghĩa vụ liên đới luôn có sự liên quan lẫn nhau giữa những người có nghĩa vụ trong suốt quá trình thực hiện nghĩa vụ.

Khác với trách nhiệm riêng rẽ, trách nhiệm liên đới là dạng trách nhiệm của nhiều người trước người có quyền. Đây là quan hệ nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ có nhiều người tham gia và bên có quyền có thể yêu cầu bất kỳ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, mặc dù tỷ lệ nghĩa vụ của từng người có thể xác định được. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì quan hệ nghĩa vụ giữa những người có nghĩa vụ liên đới với người có quyền chấm dứt. Đồng thời phát sinh quan hệ hoàn trả, trong đó người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới có quyền yêu cầu những người cùng có nghĩa vụ liên đới khác nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ phải thanh toàn phần nghĩa vụ mà người này đã thực hiện thay họ. Tuy nhiên, nếu một trong số những người có nghĩa vụ liên đới được yêu cầu thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng họ không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì người có quyền vẫn được quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ khác thực hiện phần nghĩa vụ còn lại. Do vậy, có thể nói rằng quy định về trách nhiệm liên đới bảo vệ tốt quyền lợi của bên có quyền vì khả năng nghĩa vụ được thực hiện sẽ cao hơn [3].

Từ những phân tích ở trên có thể hiểu, trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp là một quan hệ nghĩa vụ mà trong đó có sự tham gia của nhiều người quản lý doanh nghiệp có nghĩa vụ, theo đó bên có quyền có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người quản lý doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ và bất cứ ai trong số những người quản lý doanh nghiệp có nghĩa vụ đều phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ theo yêu cầu của người có quyền.

Một số bất cập trong các quy định về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp

Qua nghiên cứu các quy định của Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm liên đới của người quản lý doanh nghiệp, tác giả nhận thấy còn có một số điểm hạn chế, bất cập sau đây:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp thì trong trường hợp cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết của công ty về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của công ty theo quy định của điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng có quyền mua lại một phần vốn góp theo quyết định của công ty. Cụ thể là, công ty có quyền mua lại 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây: Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã được chào bán trong 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do đại hội đồng cổ đông quyết định. Việc mua lại cổ phần dù là theo yêu cầu của cổ đông hay theo quyết định của công ty thì cũng dẫn đến hệ quả là công ty phải dùng tiền của công ty để thanh toán. Điều này làm ảnh hưởng đến tài chính của công ty và từ đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ. Do vậy, khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp quy định, công ty chỉ được quyền thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Thêm vào đó, khoản 1 Điều 135 Luật Doanh nghiệp cũng quy định, việc chi trả cổ tức cho các cổ đông phổ thông chỉ được thực hiện khi đáp ứng ba điều kiện: 1) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định; 2) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; 3) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Việc thanh toán cổ phần mua lại hoặc chi trả cổ tức cho cổ đông không đúng quy định nêu trên thì các thành viên hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp, trường hợp việc thanh toán cổ phần hoặc chi trả cổ tức cho các cổ đông trái với quy định nêu trên thì các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả các thành viên hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp lại quy định, trường hợp nghị quyết của hội đồng quản trị thông qua trái với quy định pháp luật và điều lệ của công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty, thành viên phản đối nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm.

Như vậy, quy định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp yêu cầu tất cả các thành viên của hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông trong trường hợp thanh toán cổ phần hoặc chi trả cổ tức trái quy định. Trong khi đó, khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp chỉ yêu cầu các thành viên hội đồng quản trị đã tán thành với nghị quyết được thông qua trái với quy định pháp luật hoặc điều lệ mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm, còn các thành viên đã phản đối việc thông qua nghị quyết đó sẽ được miễn trách nhiệm. Theo tác giả, Điều 136 Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và bảo đảm sự thống nhất với khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp, có thể theo hướng như sau: “Trường hợp việc thanh toán cổ phần mua lại trái với quy định tại khoản 1 Điều 134 của Luật này hoặc trả cổ tức trái với quy định tại Điều 135 của Luật này thì các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên hội đồng quản trị đã biểu quyết tán thành với nghị quyết trái với quy định nói trên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại”.

Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm rằng, cụm từ “các thành viên đã phản đối thông qua nghị quyết đó sẽ được miễn trách nhiệm” được quy định tại khoản 4 Điều 152 Luật Doanh nghiệp là chưa thật sự rõ ràng, chẳng hạn như thành viên đó chỉ vắng mặt hoặc không biểu quyết thì có được coi là phản đối và được miễn trách nhiệm hay không? Quy định này cần được sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn.

Thứ hai, theo Điều 186 Luật Doanh nghiệp thì công ty hợp danh có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn; việc tiếp nhận thành viên mới phải được hội đồng thành viên chấp thuận. Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại của công ty có thỏa thuận khác.

Theo quy định nêu trên thì thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cả những khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty phát sinh trước thời điểm trở thành thành viên hợp danh mới và cả những khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ thời điểm trở thành thành viên hợp danh mới của công ty. Quy định về trách nhiệm liên đới của thành viên hợp danh mới như trên là chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, việc công ty hợp danh tiếp nhận thành viên hợp danh mới trong nhiều trường hợp khác nhau. Theo đó, một người có thể trở thành thành viên hợp danh khi được nhận thừa kế, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên hợp danh với điều kiện được các thành viên hợp danh còn lại chấp thuận [4]. Trong trường hợp này, thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty, kể cả các nghĩa vụ phát sinh trước thời điểm gia nhập công ty là hợp lý. Bởi vì, người thừa kế, người nhận chuyển nhượng phần vốn của các thành viên hợp danh gia nhập vào công ty hợp danh với tư cách họ thế vào vị trí của người để lại thừa kế, người đã chuyển nhượng phần vốn góp.

Tuy nhiên, nếu một người góp vốn vào công ty và trở thành thành viên hợp danh mới thì quy định thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản phát sinh trước thời điểm họ trở thành thành viên mới là chưa thực sự hợp lý. Bởi vì, tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ của công ty, họ chưa phải là thành viên hợp danh của công ty và họ cũng không gia nhập công ty với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của người là thành viên hợp danh ở thời điểm phát sinh nghĩa vụ của công ty. Do vậy, quy định này cần phải được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Cụ thể, khoản 3 Điều 186 Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Người thừa kế, người nhận chuyển nhượng phần vốn góp trở thành thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Trường hợp thành viên hợp danh mới gia nhập công ty theo hình thức góp vốn vào công ty thì phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty phát sinh kể từ thời điểm người này trở thành thành viên của công ty”.

==========================================

[1] Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[2] Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Khoa học và Nhân văn quốc gia, 2005, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr 693.

[3] Đỗ Văn Đại (2012), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm nghĩa vụ dân sự - Bản án và bình luận bản án, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 337.

[4] Điểm h khoản 1 Điều 181 Luật Doanh nghiệp.

Thạc sĩ NGUYỄN CHÍ DŨNG

Khoa Luật - Trường Đại học Nam Cần Thơ

Tìm hiểu tội 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'

Lê Minh Hoàng