/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'

Bàn về trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thực tiễn áp dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập và đang có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau, đặc biệt là đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015: "Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự". 

Việc quy định mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hạn chế xử lý bằng biện pháp hình sự đối với người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý. 

Để được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp trên, người phạm tội phải có đủ các điều kiện như: Thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn phụ thuộc vào cách đánh giá của các Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án) để xem xét có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được hay không. 

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập và đang có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau, đặc biệt là đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Ví dụ: Trường hợp Nguyễn Văn A. điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 37A.342.xx tham gia giao thông trên đường quốc lộ 1A theo hướng thành phố Vinh đi Quán Hành. Khi đến km số 456+674, do thiếu chú ý quan sát không làm chủ tốc độ nên đã để xảy ra va chạm với xe môtô do ông Trần B. điều khiển đang rẽ trái sang đường. Hậu quả, ông B. chết trên đường đi cấp cứu, xe ôtô và xe môtô bị hư hỏng. Hành vi của Nguyễn Văn A. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, sau tai nạn, A. đã kịp thời cấp cứu nạn nhân, thăm hỏi bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho gia đình người bị hại và được đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự. Mặt khác, A. có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp trên, theo quy định thì A. có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 của Bộ luật Hình sự. Nhưng trên thực tế, việc áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với A. của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án lại có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xử lý giải quyết, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất pháp luật, thậm chí ở mỗi địa phương một kiểu làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.

Cụ thể, trong hệ thống Tòa án, việc xét xử đối với Nguyễn Văn A. trong trường hợp trên cũng có sự vênh nhau đáng kể, có Tòa án thì căn cứ vào khoản 3 Điều 29 để miễn trách nhiệm hình sự, nhưng có Tòa án lại xét xử và tuyên phạt A. hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt tù hoặc phạt tù cho hưởng án treo. Điều này đã dẫn đến việc kháng cáo, kháng nghị không đáng có. 

Theo quan điểm của tác giả để bảo đảm thống nhất pháp luật thì cơ quan liên ngành trung ương cần ban hành quy định, hướng dẫn đối với trường hợp trên. 

Theo quan điểm của tác giả, đối với trường hợp trên, nếu phải đưa vụ án ra xét xử thì tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần xem xét toàn diện tính chất, nội dung vụ án và đánh giá yếu tố lỗi của A. Nếu như lỗi hoàn toàn thuộc về A. thì để đảm bảo công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay, không nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với A. trong trường hợp này mà có thể thay thế bằng các hình phạt khác như phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tuy nhiên, cũng không nên áp dụng hình phạt tù trong trường hợp này. Trường hợp nếu người bị hại cũng có lỗi thì Tòa án nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với A.

Đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự trong giai đoạn điều tra, khởi tố: Mặc dù luật không quy định cụ thể về miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, nhưng theo tác giả thì có thể vận dụng tinh thần của điều luật được quy định tại khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định căn cứ không khởi tố vụ án hình sự “…hành vi không cấu thành tội phạm” để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Còn nếu căn cứ vào Điều 18 BLTTHS 2015 để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015 đối với A. thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, nếu như biết trước rằng việc thực hiện các bước khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó sẽ miễn trách nhiệm hình sự thì việc đình chỉ đó là không hợp lý. Mặt khác, nếu khởi tố, tiến hành điều tra vụ án rồi mới đình chỉ thì A. có một khoảng thời gian dài là bị can nên chắc chắn bản thân sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, lý lịch cá nhân, gia đình,... trong khi miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta. 

Do đó, vấn đề này cần sự hướng dẫn của cơ quan liên ngành trung ương trong thời gian tới để áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

HỒ QUÂN

Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4

Một số vấn đề về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Lê Minh Hoàng