/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự và một số vấn đề cần đặt ra

Bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự và một số vấn đề cần đặt ra

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Quyền bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của quyền được xét xử công bằng - một lĩnh vực cơ bản của quyền con người trong tố tụng hình sự; việc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự có vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm quyền con người, một tiêu chí cơ bản trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạọ điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa[1]. Bài viết nhằm làm sáng tỏ thêm về mặt lý luận các quy định về đảm bảo quyền bào chữa trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng và một số vấn đề cần đặt ra trước yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Vũ Mai Quỳnh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khái niệm nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa

Quyền con người là thành tựu chung của cả loài người, là kết tinh của nền văn minh nhân loại. Những thành tựu pháp lý quốc tế về quyền con người hiện nay là sản phẩm của cuộc đấu tranh hết sức lâu dài, gian khổ của toàn thể nhân loại tiến bộ, chống áp bức, bất công, xây dựng cuộc sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Quyền con người được bảo đảm như thế nào, ở mức độ nào là một trong những thước đo, tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Trong bất kỳ một nhà nước nào đặc biệt là nhà nước pháp quyền thì quyền con người và quyền công dân được đặc biệt coi trọng, là giá trị cao quý nhất được bảo vệ[2].

Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Bào chữa là dùng lời lẽ, chứng cớ để bênh vực một việc”, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản từ điển Bách Khoa”[3].

Có quan điểm cho rằng, quyền bào chữa thuộc về người bị tình nghi và bị can (phạm vi bị can trong trường hợp này bao gồm cả bị can, bị cáo và người bị kết án)[4]. Cũng có quan điểm cho rằng: “Không chỉ bị cáo mà cả người bị hại cũng cần đến việc bào chữa. Nhân chứng, giám định viên và cả những người khác cũng vậy, nếu quyền lợi của họ bị xâm hại”. Các cách hiểu như trên lại quá rộng bởi bào chữa sẽ gắn liền với buộc tội. Đối với những người bị kết án là những người đang chấp hành quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Ở giai đoạn thi hành án, người bị kết án không chịu bất cứ sự buộc tội nào từ phía các cơ quan pháp luật Nhà nước nên việc quy định cho họ quyền bào chữa đối là không cần thiết.

Từ phân tích nêu trên, có thể đưa ra khái niệm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự là tổng hợp các hành vi tố tụng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được pháp luật quy định cho họ nhằm đưa ra các chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước các cơ quan tiến hành tố tụng trong các quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự.

Nội dung đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự

BLTTHS 2015 đã quán triệt tinh thần Hiến pháp năm 2013, ghi nhận các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, suy đoán vô tội và tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, có thể nhận thấy một trong những vấn đề trọng tâm trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003 là phải làm rõ được mô hình và cơ chế tố tụng hướng đến việc bảo đảm yêu cầu cấp bách, kịp thời, minh bạch, khách quan của công cuộc phòng, chống tội phạm, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người, dân chủ hóa hoạt động TTHS và được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự tại Điều 16 BLTTHS năm 2015. Với tư cách là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự chi phối, tác động đến toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nội dung của nguyên tắc được thể hiện cụ thể tại Điều 16 của BLTTHS năm 2015: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”. Theo đó, nguyên tắc này gồm có ba nội dung cụ thể là bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Bảo đảm quyền tự bào chữa

Quyền tự bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Theo đó, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự mình thực hiện các quyền, hành vi tố tụng mà pháp luật giành cho họ để chống lại việc buộc tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự của họ. Họ có thể đưa ra lý lẽ, các chứng cứ hoặc yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi không có sự tham gia của người bào chữa. Quyền tự bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được bảo đảm thực hiện xuyên suốt quá trình tố tụng từ khi bị tạm giữ đến khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Đảm bảo quyền nhờ người khác bào chữa

Điều 72 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì số lượng người bào chữa của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhiều hơn 01 người là trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được là người bào chữa. Khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định 11 người không được bào chữa. Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới thêm 05 người không được bào chữa gồm: Người dịch thuật, người định giá tài sản, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đã bị kết án chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Quyền nhờ người khác bào chữa là một nội dung quan trọng của nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có khả năng tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước sự nghi ngờ, buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, pháp luật đã quy định cho họ quyền tự bào chữa. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế và những lý do, điều kiện nhất định nên không phải người bị tình nghi, người bị buộc tội nào cũng có khả năng thực hiện hiệu quả quyền tự bào chữa. Do đó quy định về quyền nhờ người khác bào chữa là một đảm bảo quan trọng để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện các quyền tố tụng để bào chữa cho mình trước sự nghi ngờ, buộc tội của cơ quan có thẩm quyền. Việc nhờ người khác bào chữa cũng là hình thức nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình khi họ không đủ khả năng tự mình thực hiện hoặc trong những trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, tính khách quan và tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng hình sự. Và các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa thông qua việc nhờ người khác bào chữa cho họ[5].

Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của pháp luật

Trong tố tụng hình sự, quyền bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bị tình nghi phạm tội, người bị buộc tội. Thông qua việc thực hiện quyền bào chữa, người bị tình nghi phạm tội và người bị buộc tội có thể thực hiện các hành vi tố tụng nhằm loại bỏ sự nghi ngờ, phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm của họ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước cơ quan tiến hành tố tụng. Để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người bị tình nghi phạm tội, người bị buộc tội trong tố tụng, pháp luật đã quy định cho họ các quyền tố tụng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên quyền bào chữa được thực hiện có hiệu quả đến đâu thì không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho người bị tình nghi phạm tội, người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa. Và xét trên một khía cạnh nào đó thì hoạt động, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Do đó, bên cạnh các quy định về quyền bào chữa, người được bào chữa, người bào chữa, pháp luật cũng có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa cho người bị tình nghi nhằm bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội. Ở mỗi giai đoạn tố tụng, trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng là khác nhau, ở mức độ khác nhau. Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa cũng có nghĩa đã góp phần cho nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự được thực hiện hiệu quả hơn.

Một số vấn đề cần đặt ra

Một là, đối với việc ghi nhận đảm bảo quyền bào chữa cho người bị bắt, cần bổ sung, mở rộng thêm điều kiện để được mời hoặc nhờ người bào chữa hoặc quy định bổ sung cơ chế bảo đảm cho người bị bắt thực hiện quyền này.

Hai là, trình tự xét hỏi quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần sửa đổi theo hướng: Kiểm sát viên xét hỏi trước, tiếp theo là người bào chữa, người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tiến hành xét hỏi. Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết liên quan đến việc buộc tội; người bào chữa hỏi về các tình tiết liên quan đến việc gỡ tội; người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà mình bảo vệ. Nếu thấy tình tiết có mâu thuẫn thì hội đồng xét xử có quyền trực tiếp xét hỏi để làm rõ mâu thuẫn giữa các tình tiết.

Ba là, nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp luật nhằm thực hiện các quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giám định tư pháp và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Bốn là, bổ sung quy định khi phát hiện quá trình khởi tố, điều tra, truy tố không bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữa, bị can thì Tòa án không mở phiên tòa, trả hồ sơ để Viện kiểm sát khắc phục vi phạm (Điều 280, BLTTHS).

Năm là, cần bổ sung quy định trách nhiệm của hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.

[1]: Bộ Chính trị (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002“Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, tr.11, Hà Nội.

[2]: Hà Hùng Cường (2013), Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh cải cách tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tr.5, Hà Nội.

[3]: Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp (2006), Từ điển luật học, tr.33, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

[4]: Phạm Hồng Hải (2006), Những điểm mới về trách nhiệm, nghĩa vụ của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Kỷ yếu Hội thảo Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam”, tr.22, thành phố Hồ Chí Minh.

[5]: Hoàng Thị Sơn (2000), “Về khái niệm quyền bào chữa và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo”, Tạp chí Luật học, (05), tr.22, Hà Nội.

VŨ MAI QUỲNH

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định của pháp luật

Lê Minh Hoàng