/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bất cập pháp luật về tổ chức quản trị nội bộ trong ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

Bất cập pháp luật về tổ chức quản trị nội bộ trong ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Các quy định về cách thức tổ chức quản trị nội bộ tại các NHTMCP đã phân định được nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bộ phận hợp thành trong tổ chức quản trị nội bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong quá trình hoạt động.

Ảnh minh họa.

Tổ chức quản lý

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 thì ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có cơ cấu tổ chức quản lý bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), điều đó được thể hiện như sau:

Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của NHTMCP. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Đại hội đồng cổ đông họp bất thường theo quyết định triệu tập họp của Hội đồng quản trị trong các trường hợp cần thiết . Trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng cổ phần, Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng cổ phần triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường và quyết định về nội dung Ngân hàng Nhà nước yêu cầu . Đại hội đồng cổ đông có các nhiệm vụ, quyền hạn như thông qua định hướng phát triển, sữa đổi bổ sung Điều lệ, quy định tổ chức hoạt động của Hội đồng quản trị, quyết định hoạt động kinh doanh của NHTMCP.

Thứ hai, Hội đồng quản trị của NHTMCP phải có không ít hơn 05 thành viên và không quá 11 thành viên, trong đó có ít nhất 01 thành viên độc lập. Hội đồng quản trị phải có ít nhất một phần hai tổng số thành viên là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành tổ chức tín dụng. Cá nhân và người có liên quan của cá nhân đó hoặc những người đại diện vốn góp của một cổ đông là tổ chức và người có liên quan của những người này được tham gia Hội đồng quản trị, nhưng không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị của một tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, trừ trường hợp là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 63, 64, 65 Luật Các TCTD năm 2010.

Thứ ba, Tổng Giám đốc/Giám đốc NHTMCP do Hội đồng quản trị bổ nhiệm một trong số các thành viên của mình làm Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc thuê Tổng giám đốc (Giám đốc). Tổng giám đốc (Giám đốc) là người điều hành cao nhất của tổ chức tín dụng, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như: không thuộc đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ; có đạo đức nghề nghiệp; có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật; có ít nhất 05 năm làm người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm làm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp...

Thứ tư, Ban kiểm soát thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có ít nhất 03 thành viên, số lượng cụ thể do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định, trong đó phải có ít nhất một phần hai tổng số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác. Ban kiểm soát có bộ phận giúp việc, bộ phận kiểm toán nội bộ, được sử dụng các nguồn lực của tổ chức tín dụng, được thuê chuyên gia và tổ chức bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ của mình. Ban kiểm soát thực hiện nhiêm vụ quyền hạn theo quy định tại Điều 45 Luật Các TCTD năm 2010.

Những bất cập

Thứ nhất, trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị pháp luật mới chỉ quy định tối thiểu 01 thành viên hội đồng quản trị độc lập trong cơ cấu thành viên hội đồng quản trị của NHTM. Con số này là khiêm tốn khi so sánh với pháp luật các quốc gia khác. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa có cơ chế kiểm tra tính độc lập của các thành viên hội đồng quản trị độc lập sau khi họ được bổ nhiệm.

Thứ hai, về nhiệm vụ quyền hạn của Ban kiểm soát trong NHTMCP. Ban kiểm soát có nhiệm vụ chính là kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của ngân hàng. Tuy nhiên, việc không tham gia điều hành của thành viên Ban kiểm soát không đảm bảo được mục đích hướng tới sự khách quan, độc lập trong quá trình hoạt động của Ban kiểm soát.

Thứ ba, chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh của người quản lý, người điều hành trong NHTMCP chưa được xác định cụ thể. Mặc dù pháp luật hiện hành có quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành trong NHTMCP phải có “đạo đức nghề nghiệp”. Tuy nhiên, thế nào là “đạo đức nghề nghiệp” thì các quy định pháp luật hiện hành chưa xác định cụ thể. Điều này đã tạo kẽ hở cho việc lựa chọn người không đủ phẩm chất vào vị trí người lãnh đạo, điều hành NHTMCP, dẫn đến các vụ việc của ACB, OceanBank, VNCB, GPBank, Sacombank, Đông Á Bank…

Một số đề xuất một số giải pháp

Thứ nhất, Hội đồng quản trị của NHTMCP phải nâng số lượng thành viên độc lập từ một người lên hai người. Đồng thời, Hội đồng quản trị phải có nghĩa vụ xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên hội đồng quản trị, những người lãnh đạo, điều hành trong NHTMCP.

Thứ hai, đối với Ban kiểm soát, Luật Các TCTD cần bổ sung thêm quyền của ban kiểm soát trong việc quản lý nhân sự thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ  nhằm tăng cường vai trò của ban kiểm soát khi kiểm tra, giám sát các định hướng, chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nghị quyết của hội đồng quản trị… Bên cạnh đó, phải nâng cao tính khách quan, độc lập của Ban kiểm soát.

Thứ ba, các NHTMCP bắt buộc phải công bố các thông tin tài chính, kinh doanh, chính sách rủi ro, mức độ chấp nhận rủi ro và chịu trách nhiệm các thông tin công bố trong hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát tại các NHTMCP theo hướng nâng cao hơn nữa vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong thanh tra giám sát hoạt động của các NHTMCP bao gồm cả hoạt động quản trị. Cơ quan thanh tra giám sát cần thay đổi bộ tiêu chuẩn giám sát ở Việt Nam bằng việc đẩy mạnh thực hiện theo bộ 25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng của Ủy ban Basel.

Thứ năm, một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về quản trị tại các NHTMCP như: Ban hành luật quản trị công ty; Nâng cao nhận thức của cổ đông; Nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thanh tra giám sát ngân hàng; Áp dụng khoa học công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị ngân hàng.

ThS. TRẦN THẾ HỆ - ĐH Luật Huế

/3-ly-do-chua-nen-bat-buoc-xe-may-bat-den-ban-ngay.html