/ Trợ giúp pháp lý
/ Bí mật Nhà nước được phép giải mật khi nào?

Bí mật Nhà nước được phép giải mật khi nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vậy, bí mật Nhà nước được phép giải mật trong trường hợp nào?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật theo Điều 8 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018, bao gồm:

1. Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

2. Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

3. Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, căn cứ Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 quy định, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây:

- 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật;

- 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;

- 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.

Tuy nhiên, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có thể ngắn hơn thời hạn quy định và phải xác định cụ thể tại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi xác định độ mật. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước về địa điểm kết thúc khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không sử dụng địa điểm đó để chứa bí mật nhà nước.

Theo Điều 22 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018, việc giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

- Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định tại Điều 19 của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 và thời gian gia hạn quy định tại Điều 20 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018;

- Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;

- Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH 

Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

16 luật sắp được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới

Lê Minh Hoàng