/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ Công an cảnh báo về gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao

Bộ Công an cảnh báo về gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên quan đến việc gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ngày 08/6, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết, tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn tồn tại và sự gian lận bằng thiết bị công nghệ cao vẫn xuất hiện ở các kỳ thi.

Ảnh minh họa.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021 nhưng vẫn có những điểm mới quan trọng. Trong đó, có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở rất nhiều khâu, từ đăng ký dự thi, ra đề thi, chấm thi đến công bố kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp,…

Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác nắm tình tình trên không gian mạng, nhất là với các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội có hoạt động phức tạp, có liên quan đến việc chia sẻ tài liệu học tập, đề thi thử, đề thi tốt nghiệp các năm để kịp thời phát hiện xử lý vấn đề có thể ảnh hưởng đến kỳ thi.

Qua nắm tình hình, A05 nhận thấy vẫn còn tình trạng mua bán thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh lấy ví dụ, năm 2021, Công an phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết bị đa dạng và thủ đoạn tinh vi, và đã đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt một nhóm đối tượng có 23 người với tội danh "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước".

Trong sự việc này, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo (gắn trên áo như một chiếc cúc) để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu.

Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện. Cơ quan chức năng nhận thấy cơ bản các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25 mét và đã cảnh báo Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình trạng này. Công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn, nên Bộ Công an khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của thí sinh để càng xa càng tốt.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng cho rằng các thiết bị camera giấu kín có thể có hình thức rất nhỏ, thí sinh có ý định vi phạm có thể lợi dụng khẩu trang để giấu thiết bị này. Giải pháp ngăn ngừa chính là cách ly thiết bị trung gian. Quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi là nhằm thực hiện điều này.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng đưa ra kiến nghị, không cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm ghi hình không kết nối mạng vào phòng thi. Ông nêu dẫn chứng, các thiết bị như "camera cúc áo", "tai nghe hạt đậu" đều không có chức năng liên hệ trực tiếp với bên ngoài, mà phải qua thiết bị trung gian. Nếu cho phép thí sinh mang thiết bị không kết nối vào, việc đánh giá thế nào là thiết bị có kết nối hay không kết nối sẽ rất khó khăn. Ngay cả lực lượng Công an cũng có thể phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới đánh giá được một thiết bị có chức năng phát sóng hay không.

Ông cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần hướng dẫn kỹ cho thí sinh, việc để lộ lọt đề thi, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật Nhà nước để răn đe, ngăn ngừa hành vi này.

VĂN QUANG

Đề xuất sở hữu chung cư 50 năm: Cần nhìn nhận dưới nhiều góc độ để tránh những hệ lụy phức tạp

Loan B T Thanh