/ Tin nổi bật
/ Bộ Công an thông tin việc xử lý 02 thí sinh chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài

Bộ Công an thông tin việc xử lý 02 thí sinh chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài

30/06/2023 07:11 |

(LSVN) - Ngày 29/6, tại cuộc họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, Cục sẽ xem xét, đánh giá tính chất, mức độ vụ việc. Nếu hành vi đến mức xử lý hình sự, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý theo quy định. Nếu hành vi chỉ ở mức xử lý hành chính, cá nhân liên quan sẽ bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT sau khi kết thúc khâu coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong số 41 thí sinh bị đình chỉ thi, có tới 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, 01 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra rằng, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế, sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.

Trong đó, có việc 02 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh, làm rõ và đình chỉ 02 thí sinh trên.  Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc phân biệt khái niệm “lọt đề” và “lộ đề”, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, nói rằng khái niệm “lộ” trước đây đã được sử dụng trong pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Cho nên, căn cứ pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, chúng ta chỉ sử dụng khái niệm "lộ", không sử dụng khái niệm "lọt".

Về việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để kết nối với bên ngoài nhằm gian lận thi, Cục An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với địa phương nhằm xác minh và đã tìm được người kết nối với thí sinh.

Thời gian tới, Cục sẽ kiểm tra liệu lời giải có được chuyển vào phòng thi cho thí sinh hay không. Tuy nhiên trước mắt, Cục chưa phát hiện dấu hiệu “tuồn” đáp án vào phòng thi nên không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi lần này.

Liên quan việc xử lý hai thí sinh vi phạm, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ Trần Đình Chung cho biết, sẽ căn cứ kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ xảy ra, đồng thời xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Nếu hành vi đến mức phải xử lý hình sự, những cá nhân liên quan sẽ bị xử lý hình sự. Nếu hành vi chỉ ở mức xử lý hành chính, cá nhân liên quan sẽ bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trước khi xử phạt, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, đánh giá và cần tính toán đến tính nhân văn trong vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề gian lận công nghệ cao, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ Công an đã đưa ra những hình mẫu, kỹ năng để tập huấn cho cán bộ coi thi nhằm phòng chống gian lận.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã đi kiểm tra 16 đoàn thi. Nhìn chung, các đoàn đã nhận thức được vấn đề ngăn chặn gian lận. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt vẫn xảy ra.

Về việc lộ đề môn Ngữ văn và Toán trong ngày 28/6, ông Chương khẳng định hai trường hợp này bị xếp vào nhóm vi phạm quy chế do sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an sẽ cùng phối hợp để xác định các bên liên quan thí sinh gian lận, từ đó xác định mức độ vi phạm để xử lý đúng quy chế.

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT có thể bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực GD&ĐT đã quy định rõ đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai nằm trong danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật.

Theo quy định trên, khi đề thi tốt nghiệp THPT chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố mà một cá nhân làm lộ ra bên ngoài thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người làm lộ đề thi có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của cơ quan công tác, bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, căn cứ vào khoản 4, khoản 5, Điều 19, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân; hoặc bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Những người trong hội đồng ra đề thi, hoặc giám thị coi thi làm lộ đề thi cũng được coi là có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh. Căn cứ vào khoản 5, Điều 15, Nghị định 79/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, người có hành vi làm lộ đề kiểm tra, đề thi sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu – 25 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Thí sinh dự thi nếu vi phạm quy chế thi, để lọt đề thi ra ngoài trước khi hết 2/3 thời gian làm bài có thể bị xử lý theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có thể bị áp dụng hình thức xử phạt là đình chỉ thi hoặc các hình thức khác. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Trường hợp hành vi làm lộ bí mật Nhà nước có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" hoặc "Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước" theo quy định tại các Điều 337, 338, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Ngoài ra, nếu cá nhân có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm lộ đề thi; thực hiện hành vi này vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Để xác định khung hình phạt với người phạm tội sẽ căn cứ vào giá trị tài sản thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, theo đó mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Đồng thời buộc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

MINH QUÝ

Bộ GD&ĐT thông tin về lịch chấm thi tốt nghiệp THPT

Nguyễn Hoàng Lâm