/ Dọc đường tố tụng
/ Cách tính thiệt hại trong vụ án Vũ 'nhôm' bị khiếu nại vi phạm tố tụng

Cách tính thiệt hại trong vụ án Vũ 'nhôm' bị khiếu nại vi phạm tố tụng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Như đã phản ánh, Đơn kêu oan và tố cáo của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) đã được Luật sư gửi tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao,… cùng nhiều cơ quan, cá nhân. Trong đó, Vũ cho rằng cơ quan tố tụng sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật về cách tính thiệt hại trong vụ án mà Vũ là bị cáo.

Cụ thể, theo Vũ, Bản án sơ thẩm số 48/2019 của TAND TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 346/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhận định thiệt hại của vụ án tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Trong khi đó, Bản án sơ thẩm số 20/2020 cũng của TAND TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” lại xác định thiệt hại tính từ thời điểm khởi tố vụ án. Vũ cho rằng cần xem xét lại cách tính thiệt hại cũng như xem xét lại mức bồi thường thiệt hại của từng bị cáo trong vụ án này, trong đó có Vũ.

Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn tố cáo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục định giá tài sản và trình tự, thủ tục kê biên tài sản. Cụ thể, việc Tòa tuyên duy trì lệnh kê biên đối với 23 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu chung của Vũ và vợ, cùng 5 tài sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn là vi phạm nghiêm trọng.

Vũ cho rằng, nếu mình thật sự có tội, cơ quan tố tụng cũng chỉ được kê biên đối với phần tài sản thuộc sở hữu riêng của Vũ chứ không phải toàn bộ tài sản đứng tên chung của hai vợ chồng.

Đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu của các công ty mà Vũ tham gia góp vốn, cần phải tách biệt giữa cá nhân và pháp nhân. Bản thân các công ty không phải là pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này.

“Toàn bộ số tiền bỏ ra mua các nhà đất này là do vợ chồng tôi lao động, kinh doanh bằng mồ hôi nước mắt, chứ không phải là đồng tiền vi phạm pháp luật mà có”, Vũ trình bày trong đơn. Liên quan đến nội dung này, các đồng sở hữu của 28 tài sản kê biên để thi hành án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ cũng đã đồng loạt gửi đơn khiếu nại cho rằng Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng đã vi phạm trình tự luật định, bỏ tắt không phân định quyền sở hữu trước khi xử lý tài sản.

Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần xây dựng 79 và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (trú tại 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Đà Nẵng- vợ ông Vũ) đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng về việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Đà Nẵng vi phạm nghiêm trọng trình tự luật định, không phân định quyền sở hữu trước khi xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Theo nội dung khiếu nại, mặc dù Bản án số 158/2020/HS-PT đã kê biên 28 tài sản, nhưng trước khi xử lý tài sản kê biên cơ quan thi hành án bắt buộc phải phân định và phải yêu cầu Tòa án quyết định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Luật thi hành án dân sự quy định rất rõ ràng, tuy nhiên khi chấp hành viên xử lý 28 tài sản kê biên đã bỏ qua trình tự này. 

Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng và Chấp hành viên không gửi bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc thực hiện xác định phần sở hữu của bà Hiền và chồng là ông Phan Văn Anh Vũ đối với từng tài sản đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên theo đúng trình tự thủ tục luật định. Bên cạnh đó, 3 công ty trên cũng không nhận được bất kỳ một thông báo nào về việc phân định tài sản của ông Vũ và các cổ đông trong công ty. 

Trả lời báo chí, Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật BASICO cho biết: “Theo tôi, có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục xử lý tài sản khi thi hành án trong trường hợp này. Đã là tài sản chung, thì theo Điều 74, Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn trước khi xử lý tài sản chấp hành viên buộc phải thông báo để những người đồng sở hữu tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản chung. Sau khi đã thực hiện xong trình tự luật định này, thì chấp hành viên mới được xử lý tài sản thi hành án. 

Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, cơ quan thi hành án không thể lấy lý do bản án đã kê biên tài sản thì thi hành án có thể làm tắt bỏ qua bước phân định tài sản chung. Bởi cả Luật và Nghị định đều yêu cầu việc phân định rõ phần quyền sở hữu đối với tài sản chung phải rõ ràng trước khi xử lý tài sản. Việc xử lý tài sản thuộc trách nhiệm của thi hành án và nếu thi hành án lược bỏ thủ tục phân định tài sản chung trước khi xử lý, quyền lợi hợp pháp của những người đồng sở hữu tài sản bị xâm phạm.”

V. KHÁNG

Vũ 'nhôm' lập luận thế nào trong đơn kêu oan về chứng cứ buộc tội?

Lê Minh Hoàng