/ Góc nhìn
/ Xử lý cán bộ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong thi tuyển, công tác vẫn còn nhẹ?

Xử lý cán bộ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong thi tuyển, công tác vẫn còn nhẹ?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) – Hiện nay, việc cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong thi tuyển, công tác đang là vấn đề nhức nhối trong hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước, kéo theo nhiều hệ lụy nghiệm trọng, khó lường đối với xã hội. Nguyên Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, bà Bùi Thị An cho rằng cần có mức kỷ luật thích đáng hơn nhiều đối với những trường hợp dùng bằng giả, chứng chỉ giả trong thi tuyển, công tác.

Việc mua bằng đại học giả, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học giả... đã không còn trở nên quá khó khăn khi các loại bằng cấp, chứng chỉ giả này được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội. Người sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả để thi tuyển, công tác không có kiến thức chuyên môn, không có đạo đức nên có thể gây ra nhiều sai sót trong công việc, để lại hậu quả nghiêm trọng..., nếu người sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả là Đảng viên có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, việc tuyển dụng cán bộ, công chức đang đặt nặng vấn đề hình thức đó là bằng cấp, chưa thực sự coi trọng chất lượng.

"Điều kiện phải có bằng mới được bổ nhiệm dẫn đến trường hợp để mưu cầu chức vụ, nhiều người đã bằng mọi thủ đoạn mua bằng giả, chứng chỉ giả, cộng thêm một số nơi tuy có thi tuyển cán bộ, công chức nhưng nói chung sự minh bạch của thi tuyển chưa khiến người dân yên tâm, chỉ nằm trong phạm vi ngành, bộ, đơn vị đó chấm với nhau, vì vậy chưa khẳng định được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Luật sư Ứng nói.

Luật sư đưa ra kiến nghị Nhà nước cần tiến tới minh bạch vấn đề thi cử, cần xem lại cách tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, một số các trường hợp phát hiện sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong thi tuyển công tác đã bị xử lý kỷ luật. Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực ngày 20/9/2020 quy định rõ về các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức cũng như hình thức xử lý với các trường hợp vi phạm.

Đối với trường hợp sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong thi tuyển công tác, Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể hình thức xử lý kỷ luật đối với từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức quản lý, theo đó:

- Áp dụng hình thức buộc thôi việc đối với công chức có hành vi vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ;

- Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ.

Nhận định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết: “Giai đoạn vừa rồi hiện tượng bằng giả đã xảy ra ở một số địa phương trong nhiều lĩnh vực, kể cả lực lượng vũ trang như Công an, thậm chí những người này đã leo lên được chức vụ khá cao. Các cấp quản lý đã sàng lọc được những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi các vị trí, trong đó có vị trí lãnh đạo hoặc chủ chốt, bước đầu đã kỷ luật tốt các trường hợp vi phạm. Tuy vậy, cần xử lý mạnh tay hơn nữa, nhất là việc sử dụng bằng giả để “chui” vào những vị trí chủ chốt trong một số ngành. Khi kiến thức và tư cách đạo đức không có, cán bộ, công chức ở những vị trí này sẽ gây rất nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội, cho chính những lĩnh vực mà họ quản lý. Cần nghiên cứu từng trường hợp cụ thể với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng để đưa ra mức kỷ luật, xử lý thích đáng hơn, có tính răn đe mạnh hơn”.

Bên cạnh đó, bà An cũng lưu ý về vấn đề tiền lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả trong thi tuyển công tác. Bà nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, tiền lương trả cho cán bộ, công chức là tiền thuế của người dân, phải được chi trả hợp lý, vì vậy cần nghiên cứu thực hiện truy thu số tiền lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả”.

Tuy nhiên, theo bà An, truy thu lương là một vấn đề khó khăn cần xem xét kỹ lưỡng dựa vào nhiều yếu tố trong đó có mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp với các chức vụ lãnh đạo cần chuyên môn cao, cán bộ không hoàn thành được công việc nên có hướng xử lý mạnh tay, thậm chí là yêu cầu họ trả lại số tiền lương đã nhận khi làm ở chức vụ dùng bằng giả để thi tuyển vì họ làm không đúng chức năng, nhiệm vụ, có thể gây nhiều hậu quả khó lường. Nên chuyện truy thu là cần thiết. Với cán bộ, công chức, viên chức làm ở một số vị trí trong cơ quan hành chính không đòi hỏi tạo ra sản phẩm cụ thể cũng như khó đánh giá được mức độ hoàn thành công việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về việc truy thu tiền lương.

THANH NHUNG

/nhung-diem-can-luu-y-khi-thuc-hien-quy-dinh-tai-chuong-ii-cua-bo-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam.html