/ Thư viện pháp luật
/ Cần có thêm các biện pháp xử lý nhanh đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ livestream trên mạng

Cần có thêm các biện pháp xử lý nhanh đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ livestream trên mạng

13/08/2023 12:35 |

(LSVN) - Trước tình trạng một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi biểu tình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân. Cục PTTH&TTĐT đã đề xuất có thêm các biện pháp để xử lý nhanh đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ livestream trên mạng. Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.

Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, một trong những nội dung được đề xuất là cắt đường truyền Internet đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm khi cung cấp thông tin trên mạng. Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng đề cập đến các chính sách quản lý mới của Bộ TT&TT đối với việc phát trực tuyến (livestream).

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đại diện Bộ TT&TT, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay, thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi biểu tình, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân. 

Trước thực tế đó, Cục PTTH&TTĐT đã đề xuất có thêm các biện pháp để xử lý nhanh đối với các đối tượng sử dụng dịch vụ livestream trên mạng.

Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả xử lý đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác.

Thực tế cho thấy, một số trường hợp người livestream thông báo trước thời điểm thực hiện. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thực hiện livestream bất ngờ, không báo trước. Khi đó, rất khó để cơ quan chức năng có thể kiểm soát nội dung vi phạm.

Do vậy, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm biện pháp để xử lý nhanh, đó là ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với thuê bao là các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật. Đây được đánh giá là một biện pháp mạnh, cần thiết và khẩn cấp để hạn chế việc cung cấp các nội dung vi phạm trong một số tình huống.

Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, việc ngừng cung cấp dịch vụ Internet không phải là biện pháp xử lý triệt để bởi người dùng có thể kết nối mạng qua WiFi hoặc các nguồn khác. Việc cắt Internet đối với người vi phạm pháp luật chỉ được xem là một biện pháp ngăn chặn bổ sung. 

Bộ TT&TT đang trong quá trình lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. Trên cơ sở thống nhất các quy định, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet để xây dựng quy trình triển khai trên thực tế. 

Đối với vấn đề quản lý livestream, theo đại diện Bộ TT&TT, phát trực tuyến là một tính năng mới trên mạng xã hội và đang được phát triển mạnh thời gian gần đây. Đây là tính năng đặc biệt hiệu quả trong việc bán hàng online, quảng cáo. 

Về nguyên tắc, livestream cũng đồng nghĩa với việc cung cấp thông tin trên không gian mạng. Theo đại diện Bộ TT&TT, các tổ chức, cá nhân, khi thực hiện livestream không được vi phạm các quy định về việc cung cấp nội dung trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, người livestream sẽ phải tuân thủ thêm các quy định pháp luật chuyên ngành. 

Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trong đó, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung quy định về quản lý dịch vụ livestream. Hướng quản lý mới được đề xuất là chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT&TT cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử). Các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định sửa đổi cũng đưa ra lấy ý kiến về đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội. Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

Ngoài ra, Điều 5 của dự thảo quy định các hành vi bị cấm trên mạng gồm: Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm..

TRẦN MINH

Xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 25 của UBTVQH

Nguyễn Hoàng Lâm