/ Kinh tế - Pháp luật
/ Cân nhắc việc được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác

Cân nhắc việc được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Phát biểu góp ý dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sáng ngày 07/11 tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho, tặng, nhận thừa kế được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 07/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cơ bản tán thành với hồ sơ Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá và báo cáo số 1085/BCA-BC-BST của Bộ Công an giải trình tiếp thu các ý kiến thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết và có tác dụng tích cực, như: Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ của người dân, khi được bình đẳng lựa chọn biển số xe theo sở thích, thông qua đấu giá; Tăng thêm hiệu lực công tác quản lý đăng ký xe ô tô cá nhân; Làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ việc đấu giá biển số.

Đồng thời, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này là đúng thẩm quyền, để thí điểm một số nội dung còn vướng mắc so với quy định tại một số Luật hiện hành như: quy định về "cấm mua bán biển số xe cơ giới", như tại khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008; quy định về đấu giá tài sản công, trường hợp chỉ có 01 người duy nhất tham gia đấu giá, như tại Điều 59, Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Góp ý vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, tại điểm b, khoản 1, Điều 3, dự thảo Nghị quyết, về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được sử dụng biển số xe trúng đấu giá để đăng ký cho xe thuộc sở hữu của mình. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu của mình được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá. Ví dụ như: Phải là xe mới, chưa đăng ký hoặc là xe đã đăng ký rồi nhưng muốn thay sang biển số mới.

Tại điểm đ, khoản 1, Điều 3, dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về việc hoàn tiền trúng đấu giá, khi người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa được đăng ký, cân nhắc sửa theo hướng linh hoạt hơn: Có thể trao quyền cho người nhận thừa kế của người trúng đấu giá được lựa chọn phương án: Hoàn tiền, hoặc được thừa kế biển số xe trúng đấu giá đó. Vì theo quy định tại dự thảo, người trúng đấu giá chết (rõ ràng là bất khả kháng, ngoài mong muốn ban đầu), khi đó chỉ được hoàn tiền (sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định). Như vậy, lại mất chi phí thêm, không có lợi cho Người dân.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 3, dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định vào nội dung "Quá thời hạn 12 tháng mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số trúng đấu giá với xe thuộc sở hữu, thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số xe". Đối với nội dung này, cần quy định rõ thêm là thu hồi biển số đã trúng đấu giá, nhưng không hoàn tiền đã đấu giá nhằm để hạn chế trường hợp đầu cơ, găm biển số.

Tại điểm c, khoản 2, Điều 4, dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nới lỏng quy định theo hướng người được cho tặng, nhận thừa kế được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Lí do: Có thể có trường hợp, người được bố, mẹ cho tặng hoặc người được nhận thừa kế muốn giữ lại biển số làm kỷ niệm để đăng ký cho xe khác mua mới của mình. Vì là thí điểm, nên cũng nên thí điểm quy định này. Theo đó, cân nhắc bỏ cụm từ về "cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá" điểm c khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng nên có hệ thống theo dõi địa chỉ IP của máy tính hoặc thiết bị thông minh thường xuyên kết nối vào Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến và thường xuyên tham gia các hoạt động đấu giá các biển số, để hạn chế được việc tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá không trong sáng, đầu cơ, găm biển số.

Cùng góp ý tại dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho biết: Từ trước đến nay, Nhà nước thực hiện việc cấp biển số xe cơ giới, trong đó có biển số xe ô tô để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về xe cơ giới. Cho nên, biển số xe cơ giới nói chung vẫn được coi như là giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước. Việc làm giả biển số xe cơ giới khi bị phát hiện được xử lý như là làm giả giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước. 

Dự thảo Nghị quyết lần này coi biển số xe ô tô là tài sản công dưới dạng tài sản đặc thù mà không phải giấy chứng nhận tài liệu của nhà nước nữa. Thực tế, hiện tại đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là tài sản đặc thù mà chỉ có Thông tư số 162 của Bộ Tài chính quy định về tài sản cố định đặc thù.

Như vậy, tài sản đặc thù là tài sản gì hay vẫn được coi là tài sản như quy định tại Điều 105, Bộ luật Dân sự. Theo đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản khi được coi là tài sản thì có quyền tài sản theo quy định của Điều 115 Bộ luật Dân sự và quyền sở hữu tài sản được quy định tại 158 Bộ luật Dân sự,…

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần sử dụng thống nhất chủ thể lựa chọn sử dụng biển số ô tô là cá nhân, tổ chức mà không cần quy định doanh nghiệp bởi doanh nghiệp cũng là tổ chức.

Về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.

Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, đại biểu cho rằng chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô.

HOÀNG NGUYÊN

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô

Nguyễn Lâm