/ Tin tức
/ Cần quy định rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng

Cần quy định rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong phiên thảo luận sáng 23/10 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đa số các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành... Trong đó, Luật Điện ảnh cần quy định rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, góp ý về Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công nghiệp điện ảnh và phát triển đất nước có vị trị quan trọng. Có nhiều yếu tố, trong đó luật pháp phải tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Nếu ra luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật thì đó là vấn đề lớn cần lưu ý. Làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam. Giữ được đất nước trong kinh tế thị trường chính là văn hóa, giữ gìn văn hóa thông qua các hình thức nghệ thuật như điện ảnh rất quan trọng.  

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ. Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số, các công nghệ tiên tiến khác trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác, nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, khá đầy đủ, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động và cơ quan, tổ chức có liên quan; được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ xem xét, quyết định theo luật định.

Bên cạnh đó, quan tâm đến những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu, giải thích từ ngữ rõ ràng để các quy định bảo đảm chính xác, cụ thể, rõ ràng để tránh cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng Luật không thống nhất.

Liên quan đến sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi vì điện ảnh là lĩnh vực đặc thù. Đối với cơ chế đặt hàng, đề nghị nghiên cứu quy định mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, sản xuất phim; cơ chế Nhà nước mua bản quyền một số phim phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim Việt Nam. Đồng thời, đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 10 Dự thảo Luật.

PV

Nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng từ ngày 12/12/2021

Lê Minh Hoàng