/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần siết chặt hoạt động xe khách hợp đồng 'đội lốt' xe chạy tuyến cố định

Cần siết chặt hoạt động xe khách hợp đồng 'đội lốt' xe chạy tuyến cố định

28/08/2023 16:24 |

(LSVN) - Xe khách hợp đồng trá hình “đội lốt” xe chạy tuyến cố định là hình thức lách luật đang làm rối loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và gây “khó” cho cơ quan chức năng.

Một số xe khách mang logo Phú Quý, Dũng Minh, Trần Anh chuyên tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh thường xuyên đón trả khách không đúng nơi quy định, xe hợp đồng “đội lốt” xe tuyến cố định. 

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử, giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm cả thuê người lái xe. Song nhiều nhà xe vẫn cố tình chơi trò “lập lờ” nhằm kiếm lời, bất chấp vi phạm. 

Phải đón khách theo hợp đồng ký kết

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: Cần có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG", trên xe được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe và phải được niêm yết các thông tin khác trên xe với kích thước tối thiểu là 06x20cm… Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết; không được đón khách, gom khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, xe chạy hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, văn phòng đại diện, trụ sở chi nhánh hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải hợp tác kinh doanh; đơn vị kinh doanh vận tải thuê.  

Mỗi xe ô tô trong thời gian một tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố hay còn gọi một tuyến đường, ngõ (hẻm) trong đô thị;…

Khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ phải mang theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe còn phải mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.  

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này đến Sở Giao thông Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). 

Chơi trò “lập lờ” để kiếm lời

Từ ngày 01/01/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải. Đơn vị kinh doanh vận tải trước khi thực hiện hợp đồng phải thực hiện việc thông báo một lần các nội dung tối thiểu của hợp đồng theo quy định và phải thông báo lại khi có sự thay đổi về hành trình, thời gian vận chuyển hoặc các điểm dừng đỗ, đón trả khách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay rất ít nhà xe tuân thủ quy định trên, xe hợp đồng lách quy định chở khách tuyến cố định và sử dụng hợp đồng in sẵn khi khách lên xe bổ sung tên nhằm đối phó nhà chức trách.

Mặc dù đã có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên, nhiều nhà xe vẫn bất chấp các quy định pháp luật, tùy tiện đưa xe hợp đồng vào khai thác tuyến cố định chơi trò “lập lờ” để kiếm lời. 

Đơn cử mới đây (15/8), qua tin báo của người dân, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ QL1A, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra xe khách mang biển kiểm soát 29B–016.19 có dấu hiệu xe khách hợp đồng trá hình “đội lốt” xe chạy tuyến cố định. Qua kiểm tra, chiếc xe này là xe chạy hợp đồng, không có tuyến cố định, thời điểm kiểm tra không có danh sách hành khách theo hợp đồng. 

Tuy nhiên, một hành khách trên chiếc xe này cho hay, họ đặt vé qua số điện thoại nhà xe Dũng Minh (doanh nghiệp chuyên vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh), từ Hà Tĩnh đi Hà Nội chứ không có hợp đồng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, tước phù hiệu xe hợp đồng theo quy định 2 tháng.

Trước đó, ngày 05/7, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phát hiện xe khách mang BKS 29B-128.83 và xe 29B-600.06 (logo Trần Anh), thuộc sở hữu của bà Trịnh Thị Bích Hoan (Hoàng Mai, Hà Nội), do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Sau khi phát hiện xe khách BKS 29B-128.83 hoạt động tại khu vực phố Trần Thủ Độ (gần bến xe Nước Ngầm), Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe lỗi vi phạm “Đón hành khách tại nơi cấm đỗ”, “Điều khiển xe vận chuyển khách du lịch không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”. Chủ phương tiện vi phạm lỗi “sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mà trên xe không có hợp đồng vận chuyển theo quy định”. Tổng số tiền xử phạt là 8,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng, tước phù hiệu xe 2 tháng, yêu cầu cam kết không tái vi phạm.

Xe khách Trần Anh (tuyến Hà Nội - Nghệ An) bỏ bến, ngang nhiên dừng đỗ giữa đường Phạm Văn Đồng đón khách từ văn phòng lên xe.

Sở dĩ các xe hợp đồng thi nhau “đội lốt” để lách luật vì xe khách trá hình thuộc loại ba không (không nộp thuế giá trị gia tăng; không mất lệ phí bến bãi; không mua bảo hiểm cho hành khách). Còn xe khách tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về đăng ký luồng tuyến, hành trình vận tải, giờ xe xuất bến; xe tuyến cố định phải nộp 10% thuế VAT, nộp đủ các loại phí bến bãi, phí dịch vụ và nộp bảo hiểm cho hành khách công khai trên vé xe. Rõ ràng hành vi đó thể hiện rõ sự cạnh tranh trục lợi, kiếm lời phi pháp gây nên tình trạng “bến dù bến cóc” xuất hiện ngày càng nhiều.

Từ thực trạng trên các cơ quan ban ngành cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý các nhà xe cố tình vận chuyển hành khách không đúng nội dung hợp đồng; không gửi nội dung hợp đồng tới ngành chức năng trước khi thực hiện hợp đồng; hoặc hành vi lái xe hợp đồng sai phạm, gắn trên kính chắn gió biển đề tên tuyến cố định.

Đồng thời xử lý nghiêm các nhà xe hợp đồng đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm ổn định; niêm yết thông tin về luồng tuyến vận tải như xe khách tuyến cố định, sử dụng xe giường nằm,… chấn chỉnh ngay tình trạng bến cóc, bến dù, sớm ổn định thị trường vận tải, tạo điều kiện cho các loại hình vận tải phát triển lành mạnh. 

TIẾN ĐẠT

Bùi Thị Thanh Loan