/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cần sớm có hướng giải quyết quy định về hạn chế quyền khởi kiện lại của nguyên đơn tại Công văn số 02/TANDTC-PC

Cần sớm có hướng giải quyết quy định về hạn chế quyền khởi kiện lại của nguyên đơn tại Công văn số 02/TANDTC-PC

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã nêu rõ tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Ảnh minh họa.

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do “nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện” là giải đáp mới nhất của TAND tối cao tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021.

Cụ thể, tại mục 5 phần IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của TAND tối cao, đã giải đáp tình huống tố tụng như sau:

5. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không nộp tiền chi phí định giá theo điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vậy, trong trường hợp này nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện hay không?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì:

“Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

...đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này...”.

Khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó,nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do “nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác” thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Tôi nhận thấy nội dung Công văn giải đáp về tố tụng dân sự như vậy sẽ hạn chế quyền khởi kiện của đương sự theo Hiến pháp, các đạo luật tư pháp hiện hành và không phù hợp với thực tiễn xét xử. Nếu nhận thức và áp dụng theo Công văn này người yếu thế sẽ bị mất quyền khởi kiện lại để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã nêu rõ tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vấn đề bất cập khó khăn trong thực tiễn ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân trong tố tụng dân sự cần được tháo gỡ đó là trường hợp đình chỉ do đương sự không nộp chi phí tố tụng theo hướng dẫn trên của TAND tối cao, nguyên đơn không được quyền khởi kiện lại.

Hậu quả pháp lý nội dung quan hệ tranh chấp của đương sự không được Tòa án giải quyết. Đây cũng là nguyên nhân khiếu nại kéo dài trong hoạt động tư pháp. Do đó, Quốc hội, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cần xem xét lại những bất hợp lý về thủ tục trong tiến trình cải cách tư pháp.

Thực tiễn xét xử cho thấy, người nghèo chỉ có thể được xét miễn tiền tạm ứng án phí theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định các trường hợp được miễn nộp tiền án phí, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng lệ phí Tòa án. Thực tiễn giải quyết án dân sự cũng không vướng mắc về án phí, không vướng mắc về việc đình chỉ vụ án lý do đương sự không nộp chi phí tố tụng.

Vấn để tố tụng gây tranh luận ở đây là nội dung nếu tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì “lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác thì nguyên đơn không có quyền kiện lại” thì rõ ràng Tòa án đã từ chối giải quyết về nội dung vụ việc, vụ kiện dân sự của người dân.

Trước đó, với mong muốn người không có tiền cũng có thể được tiếp cận công lý thông qua tòa án, tháng 4/2020, PGS-TS Đỗ Văn Đại từng đề xuất phát triển một quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội thành án lệ theo hướng ngược lại với hướng dẫn Công văn 02/TANDTC-PC của TAND Tối cao. Theo dự thảo án lệ, sau khi vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản thì vẫn được phép khởi kiện lại. Tuy nhiên, dự thảo án lệ này đã không được TAND Tối cao chấp nhận.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, nhìn ở góc độ tích cực, nội dung hướng dẫn về vấn đề này của Công văn 02/TANDTC-PC một phần đã đưa ra lời cảnh báo cho đương sự không hoàn thành trách nhiệm tài chính trong quá trình tố tụng. Phần nữa là sẽ giảm tải công việc cho tòa án và không gây khó khăn thêm cho bị đơn và người có quyền, lợi ích liên quan. Tuy nhiên, hướng dẫn “không có quyền kiện lại nếu tòa đã đình chỉ giải quyết vì nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng” sẽ làm ảnh hưởng đến người có quyền khởi kiện, nhất là người không được miễn tiền tạm ứng chi phí giám định, miễn chi phí giám định.

“Với hướng dẫn của công văn, người có quyền khởi kiện sẽ không dám khởi kiện khi chưa có tiền để nộp tạm ứng chi phí giám định tài sản và họ sẽ đợi đến khi có tiền mới khởi kiện. Việc này có thể dẫn đến tình trạng thời hiệu khởi kiện sẽ hết nếu tranh chấp có thời hiệu khởi kiện và lúc này quyền khởi kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với người đã lỡ khởi kiện nhưng không có tiền nộp tạm ứng chi phí giám định, hướng dẫn trên làm triệt tiêu cơ hội được tòa án phán xét và do đó ảnh hưởng nghiêm trọng quyền khởi kiện của họ”, PGS-TS Đỗ Văn Đại chia sẻ.

Sửa quy định, mở đường cho quyền khởi kiện lại

PGS-TS Đỗ Văn Đại cho rằng, Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định những trường hợp được khởi kiện lại sau khi vụ án bị đình chỉ theo cách liệt kê và kết thúc danh sách liệt kê với nội dung “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Nội dung này cho thấy ngoài những trường hợp được liệt kê cụ thể, chúng ta còn có thể có trường hợp khác theo quy định và quy định này có thể là văn bản dưới luật.

“Vì vậy, theo tôi, TAND Tối cao nên bỏ nội dung hướng dẫn nêu trên của Công văn 02/TANDTC-PC và thông qua một nghị quyết cho phép khởi kiện lại. Bên cạnh đó, cần quy định hướng xử lý bảo vệ bị đơn và người liên quan như “buộc nguyên đơn trả chi phí và thiệt hại mà những người này đã phải gánh chịu đối với vụ án đã bị đình chỉ trước đây”, ông Đại kiến nghị.

TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn

Theo ông Nguyễn Công Phú, nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, trong trường hợp này, nếu không được tòa án giải quyết thì có khả năng các chủ thể có quyền dân sự bị xâm phạm sẽ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, kể cả biện pháp bạo lực để tự bảo vệ quyền lợi của mình, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Do đó, trong nhiệm vụ bảo vệ công lý của tòa án thì nhiệm vụ bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự là rất cần thiết.

Về mặt nội dung, khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định chưa rõ về quyền khởi kiện lại trong trường hợp tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác (vì trong điều khoản này có quy định các trường hợp được quyền khởi kiện lại, trong đó có “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” ngoài các trường hợp đã được quy định cụ thể).

"Tuy nhiên, dù quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa thực sự rõ ràng thì cũng khó có thể cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại sau khi tòa đã đình chỉ. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cũng không có căn cứ để tòa trả lại đơn kiện, vì luật không có quy định trả lại đơn trong trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại.

Để hướng dẫn vấn đề quan trọng nói trên, TAND Tối cao cần thông qua và ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Phú nói.

Theo đó, TAND Tối cao phải công khai lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, TAND Tối cao phải thành lập hội đồng tư vấn, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định dự thảo nghị quyết trước khi thông qua Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

THANH THANH

Hạn chế quyền khởi kiện lại là hạn chế quyền công dân

Không được hạn chế quyền khởi kiện lại của nguyên đơn

Admin