/ Góc nhìn
/ Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh

Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tác giả cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sự thống nhất giữa chính sách và pháp luật.

Ảnh minh họa.

Về lý luận thì nhà nước quản lý xã hội bằng chính sách và pháp luật. Những quan điểm tư tưởng định hướng của nhà nước trong mỗi lĩnh vực là những chính sách nhằm quản lý và phát triển xã hội. Trên cơ sở nội dung chính sách đã được hoạch định thì nhà nước sẽ ban hành pháp luật để thể chế hóa chính sách, đưa chính sách vào đời sống xã hội. Khi xã hội có những thay đổi thì chính sách cũng có thể thay đổi, kéo theo thay đổi pháp luật. Trường hợp chính sách thay đổi nhưng chưa thay đổi pháp luật thì sẽ có những mâu thuẫn giữa chính sách và pháp luật, có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sự quản lý nhà nước. Bởi vậy, mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật là mối quan hệ biện chứng, có sự tác động qua lại để cùng phát triển, thực hiện mục tiêu quản lý và phát triển xã hội.

Đối với phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì đây là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của đảng và nhà nước ta trong những năm qua. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ kép, ưu tiên phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên phát triển kinh tế xã hội sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch bệnh trong mỗi thời kỳ.

Dịch bệnh Covid-19 là "cơn ác mộng" đối với nhiều quốc gia, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và thiệt hại cho nền kinh tế. Quá trình phòng chống dịch bệnh có thể chia ra làm hai thời kỳ là thời kỳ trước khi có vaccine, thuốc hỗ trợ điều trị và thời kỳ sau khi có vaccine.

Thời kỳ trước khi có vaccine thì hậu quả của dịch bệnh gây ra với tính mạng, sức khỏe con người, với nền kinh tế là đặc biệt nghiêm trọng. Những nạn nhân thiệt mạng do dịch bệnh ở Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Châu Âu thời kỳ năm 2020 và rất lớn nên chính sách pháp luật của Việt Nam về phòng chống lại dịch bệnh này cũng rất quyết liệt theo hướng là kiểm soát chặt chẽ từ thủ tục xuất nhập cảnh. Khi phát hiện những ca bệnh thì quyết liệt trong việc truy vết, cách ly, khoanh vùng để tránh dịch bệnh lây lan. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu trong phòng chống dịch bệnh này thì những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như đưa tin sai sự thật, vi phạm quy định về khai báo y tế, cách ly y tế, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh, đi lại, cư trú, xuất nhập cảnh bị xử lý nghiêm minh, nhiều trường hợp bị áp dụng chế tài hình sự về các tội như: Tội "Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm chuyền nhiễm cho người", tội "Vi phạm quy định an toàn nơi đông người", tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép trên mạng internet", tội "Tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh phải ở lại Việt Nam trái phép",... nhiều trường hợp đã bị phạt tiền, phải chấp hành hình phạt tù để đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc.

Các chế tài hành chính và hình sự thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Kết quả áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh cơ bản khiến dịch bệnh được kiểm soát tốt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại của dịch bệnh gây ra đối với xã hội.

Bước sang năm 2021, khi đã có vaccine phòng Covid-19 và Việt Nam đã mua, ngoại giao được số lượng vaccine rất lớn để tiêm ngừa vaccine cho đại đa số nhân dân thì chính sách về phòng chống dịch bệnh đã có thay đổi. Từ chính sách quản lý chặt chẽ, khoanh vùng diện rộng, truy vết và xử lý y tế, cách ly y tế triệt để đối với những trường hợp nhiễm bệnh và nghi ngờ mắc bệnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Thì nay đã chuyển sang thực hiện chính sách là "thích ứng linh hoạt" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tiến tới bình thường hóa với Covid-19.

Tuy nhiên, khi chính sách đã thay đổi nhưng các quy định của pháp luật hiện nay về phòng chống dịch bệnh vẫn chưa thay đổi. Cụ thể, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì những người tiếp xúc với người mắc bệnh, những người đi qua vùng dịch, tiếp xúc với mầm bệnh thì vẫn phải khai báo y tế, thực hiện cách ly y tế, xử lý y tế theo quy định. Trường hợp khai báo gian dối, không khai báo y tế, không tuân thủ quy định về hạn chế kinh doanh mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc Điều 295 Bộ luật Hình sự. Nội dung này được hướng dẫn cụ thể chi tiết và đã áp dụng nhiều lần tại Công văn số 45/TANDTC-PC.

Trong bối cảnh hiện nay khi chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta thích ứng linh hoạt, tiến tới bình thường hóa với loại dịch bệnh này thì cũng cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tránh trường hợp những hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không truy cứu hoặc xem xét xử lý thì không phù hợp với chính sách mới.

Đối với những người đã bị kết án về các tội danh liên quan đến dịch bệnh mà đến nay mới có sự thay đổi về chính sách thì những người này vẫn tiếp tục phải thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Việc đặc xá, giảm án, tha tù có điều kiện, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành.

Còn đối với những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như không khai báo y tế, không thực hiện việc cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nếu có căn cứ thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xử lý hình sự thì phải áp dụng quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự là miễn trách nhiệm hình sự.

Cụ thể Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,9 người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng10 gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả11 và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp12 của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng nay chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào Điều 29 Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có liên quan đến phòng chống dịch bệnh nhưng chính sách trả thay đổi thì cũng có thể căn cứ vào quy định tại Điều 29 này để miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ giải quyết vụ án.

Do chính sách về phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam đã có thay đổi, tuy nhiên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc áp dụng chế tài hành chính và hình sự đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chưa có thay đổi nên có sự mâu thuẫn giữa chính sách và pháp luật. Khi áp dụng pháp luật thì cần phải lưu ý đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi tình hình đã có chuyển biến, chính sách đã có thay đổi để áp dụng pháp luật một cách mềm dẻo, linh hoạt, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Nếu không sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thì có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xét xử oan sai khi có sự không tương thích giữa chính sách và pháp luật. Không sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có thể gây khó khăn cho công tác áp dụng pháp luật, gây mâu thuẫn, tranh chấp và khiếu kiện trong quá trình áp dụng pháp luật. Bởi vậy nhu cầu về sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về phòng chống dịch bệnh khi chính sách thay đổi là cần thiết.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?

Lê Minh Hoàng