/ Luật sư trực ban
/ Cần sửa đổi, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các hành vi bức cung, nhục hình

Cần sửa đổi, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các hành vi bức cung, nhục hình

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi dùng nhục hình đối với phạm nhân (người đang phải thi hành án phạt tù) là tội phạm, hành vi tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của phạm nhân mà còn ảnh hưởng rất xấu đến công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, cũng như uy tín của các cơ quan thi hành án hình sự. Do đó, những hành vi dùng nhục hình nói chung và đối với phạm nhân nói riêng cần phải được xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, pháp luật cũng cần phải sửa đổi, nâng cao hơn về chế tài xử lý đối với các hành vi dùng nhục hình, bức cung, để tăng cường hơn nữa tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Xe của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao rời Trại giam Thủ Đức lúc 14 giờ 30 ngày 13/12 để di lý bị can về TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TNO.

Mới đây, vụ việc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao thực hiện lệnh bắt giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Doãn Tú, cán bộ ở một phân trại thuộc Trại giam Thủ Đức (Z30D), Bộ Công an và di lý vào TP. Hồ Chí Minh đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Được biết, theo lệnh bắt tạm giam, ông Nguyễn Doãn Tú đã có hành vi dùng nhục hình đối với một phạm nhân đang thi hành án phạt tù khi đưa phạm nhân này đi lao động và phạm nhân này đã làm đơn tố cáo.

Việc khởi tố, bắt giam đã được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao phối hợp với Trại giam Z30D thực hiện đúng quy trình tố tụng và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Liên quan đến vụ việc trên, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc dùng nhục hình trong hoạt động điều tra đối với bị can và với phạm nhân đang chấp hành hình phạt sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, trong các hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động điều tra nói riêng thì các hành vi dùng nhục hình, hoặc bức cung đều là trái pháp luật và được coi là tội phạm.

Do đó, trong hoạt động điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra, hoặc những người tiến hành tố tụng khác có hành vi dùng nhục hình, hoặc bức cung thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng.

Cụ thể, tại Điều 373 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” thì sẽ phạm tội “Dùng nhục hình”, với hình phạt là phạt tù từ 06 tháng đến đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi dùng nhục hình nhằm mục đích “Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc” thì sẽ cấu thành tội “Bức cung” (Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt áp dụng cho tội danh này là phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” được quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Luật sư nhận định, hành vi dùng nhục hình đối với phạm nhân (người đang phải thi hành án phạt tù) là tội phạm, hành vi tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của phạm nhân mà còn ảnh hưởng rất xấu đến công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, cũng như uy tín của các cơ quan thi hành án hình sự.

Do đó, những hành vi dùng nhục hình nói chung và đối với phạm nhân nói riêng cần phải được xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, pháp luật cũng cần phải sửa đổi, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với các hành vi dùng nhục hình, bức cung, để tăng cường hơn nữa tính răn đe và phòng ngừa vi phạm. 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, để hạn chế, không tái diễn các vụ việc đáng tiếc tương tự, thì các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các cơ chế và biện pháp kiểm tra, giám sát đối với quá trình quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân tại các trại giam, cũng như đảm bảo tốt hơn các quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại hoặc tố cáo của các phạm nhân. Đồng thời, cũng cần phải thắt chặt hơn nữa công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, để có thể tuyển chọn được những người có đủ “tài đức”, cũng như đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong khi thi hành công vụ của những người này. 

TRẦN VŨ

Từ vụ thầy giáo đánh, tát nhiều học sinh ở Lai Châu: Cần tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức giáo viên

Lê Minh Hoàng