/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần tạo điều kiện để Nhà báo được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Cần tạo điều kiện để Nhà báo được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

05/06/2024 05:55 |

(LSVN) - Việc ghi âm, ghi hình của các Nhà báo tại các phiên tòa nhằm góp phần phản ánh diễn biến phiên tòa một các đầy đủ, toàn diện, trung thực đáp nhu cầu của các độc giả và dư luận quan tâm. Đây là một kênh thông tin quan trọng nhằm góp phần công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử của các cấp tòa án; đồng thời, thông qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua hoạt động xét xử của Tòa án.

Ảnh minh họa.

Tại Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Nội dung dự thảo Luật quy định việc ghi âm, ghi hình phiên tòa của Nhà báo tại dự thảo Luật này nhận được ý kiến trái chiều từ dư luận; nhiều ý kiến chưa thống nhất với quy định này với nhiều lý do như: hạn chế tham gia của các Nhà báo khi đưa tin, tác nghiệp tại tòa án; làm hạn chế chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của hoạt động xét xử; làm giảm đáng kể tác dụng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật của hoạt động xét xử; việc hạn chế này sẽ làm giảm một kênh thông tin quan trọng góp phần làm sáng tỏ vụ việc, vụ án…

Điều 141 dự thảo Luật sẽ hạn chế vai trò của Nhà báo khi tác nghiệp tại tòa án và trái với nguyên tắc “Tòa án xét xử công khai” được quy định tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 16 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, theo đó: Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Khi phản ánh quá trình diễn biến tại phiên tòa thì Nhà báo phải thực hiện việc ghi âm, ghi hình mới có thể phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ diễn biến của quá trình xét xử; là một kênh giám sát quan trọng và hiệu quả. Khi có cơ chế này thì Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khácsẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, đảm bảo việc ra các quyết định đúng đắn, phù hợp với tính khách quan của vụ án. Và ngược lại, nếu Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác có hành vi vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong quá trình xét xử… thì cũng phải xem xét trách nhiệm theo quy định.

Đối với những trường hợp Nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa nhưng sử dụng vào các mục đích trái pháp luật, như: đăng tải lên mạng xã hội với dụng ý xấu, với mục đích xuyên tạc, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân hoặc lợi dụng dư luận để can thiệp, tác động đến hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khácthì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.

Việc ghi âm, ghi hình của Nhà báo phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phải đăng ký và phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp và của các đương sự. Nếu các đương sự không đồng ý thì các nhà báo cũng không được phép ghi âm, ghi hình đối với họ. Đồng thời, việc sử dụng nội dung ghi âm, ghi hình của các Nhà báo phải đúng mục đích như phản ánh diễn biến quá trình xét xử một cách khách quan, trung thực; không được lợi dụng nội dung ghi âm, ghi hình với mục đích khác; không làm ảnh hưởng đến những người tham gia phiên tòa; không được phép nhận định, suy diễn, quy kết… về vụ án, vụ việc đang trong giai đoạn xét xử; không được suy đoán kết quả giải quyết hoặc làm thay Hội động xét xử… Bên cạnh đó, cần có cơ chế quản lý các bản ghi âm, ghi hình một cách chặt chẽ, không được lạm dụng, lợi dụng các bản ghi âm, ghi hình để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích là để đưa tin về diễn biến của phiên tòa.

Việc ghi âm, ghi hình của các Nhà báo tại các phiên tòa nhằm góp phần phản ánh diễn biến phiên tòa một các đầy đủ, toàn diện, trung thực đáp nhu cầu của các độc giả và dư luận quan tâm. Đây là một kênh thông tin quan trọng nhằm góp phần công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử của các cấp tòa án; đồng thời, thông qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua hoạt động xét xử của tòa án. Do đó, Điều 141 Dự thảo Luật cần quy định hướng tạo điệu kiện để Nhà báo được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Việc ghi âm, ghi hình phiên tòa chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của chủ tọa

Nguyễn Mỹ Linh