/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần tôn trọng và đảm bảo quyền tác nghiệp, hoạt động của báo chí

Cần tôn trọng và đảm bảo quyền tác nghiệp, hoạt động của báo chí

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Pháp luật quy định rõ nhà báo, phóng viên hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã ban hành Công văn về việc làm rõ hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk; Công an tỉnh Đắk Lắk; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, ngày 20/9/2021, Tạp chí Luật sư Việt Nam có nhận được đơn trình báo của ông Nguyễn Sỹ Hạnh – Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam thường trú tại tỉnh Đắk Lắk về việc đoàn cưỡng chế của UBND thành phố Buôn Ma Thuột có hành vi cản trở, nạt nộ, thách thức kèm theo hành vi sử dụng vũ lực đối với phóng viên của Tạp chí.

Vậy liên quan đến vụ việc này, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quyền tác nghiệp, hoạt động báo chí của phóng viên?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp phân tích rõ, theo khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 thì nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, họ được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật, được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật,… Hoạt động hành nghề của nhà báo phải trong khuôn khổ pháp luật và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Khoản 12 Điều 9 Luật này nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Như vậy, nhà báo được tạo điều kiện hoạt động để thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội tới đông đảo công chúng, thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực,...

Điều 38 Luật Báo chí quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường. Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Cụ thể, Điều 7 Nghị định này quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi hoặc buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép.

Đối với các hành vi cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân, không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Báo chí có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 119/2020/NĐ-CP.

Nếu hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí mà có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, với vụ việc cưỡng chế đất mà Tạp chí Luật sư Việt Nam phản ánh, nếu nhà báo tham gia tác nghiệp đúng quy định pháp luật về báo chí, đúng đề tài đăng ký, đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác để đưa tin một cách trung thực, khách quan về công tác phòng, chống dịch bệnh và sự tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh ở địa phương thì đây là hoạt động góp phần thực hiện sứ mệnh thông tin trung thực về vụ việc có tính thời sự đang diễn ra; phán ánh và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực,… Điều này cũng thể hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận và nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí quy định tại Luật Báo chí 2016. 

Theo quy định nêu trên thì không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Không chỉ nhà báo, mà bất kỳ công dân nào cũng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đó là những quyền nhân thân cơ bản được quy định rõ trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.

“Do đó cơ quan có thẩm quyền nên xác minh thông tin, làm rõ sự việc, nếu đúng có sự việc cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí diễn ra thì cần có biện pháp bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo tại địa phương và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật”, Luật sư Cường bày tỏ quan điểm. 

HỒNG HẠNH

Tạp chí Luật sư Việt Nam đề nghị làm rõ hành vi cản trở Phóng viên tác nghiệp tại Đắk Lắk

Cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp: Xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng