/ Góc nhìn
/ ‘Cẩn trọng’ trong phát ngôn

‘Cẩn trọng’ trong phát ngôn

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu “like” trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

  Ảnh minh họa. 

Mới đây, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP. HCM cho biết, Sở TT&TT đã phối hợp với Công an TP. HCM phát hiện, xử lý nhiều chủ tài khoản vi phạm về cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố, trong đó có tài khoản liên quan đến vụ “bác sĩ Trần Khoa” quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, tuy nhiên, tất cả đều là những thông tin sai sự thật.

Hay trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP. Hà Nội đã xử phạt một cá nhân số tiền là 12,5 triệu đồng do có hành vi tung tin thất thiệt “Hà Nội có khoảng 3000 chốt”.

Thậm chí, trước những tin đồn thất thiệt trong thời gian TP. HCM đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM Phan Nguyễn Như Khuê đã phải đính chính việc đóng cửa toàn thành phố từ ngày 23/8 là không đúng. Thực tế, thành phố chỉ nâng cao hơn các giải pháp giãn cách xã hội để kiềm chế dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên cả nước cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp cá nhân đăng tải thông tin về dịch bệnh Covid-19 sai sự thật, làm hoang mang dư luận, gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Nguy hiểm hơn, không chỉ người dân mà một số nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng cũng đăng tải những thông tin ‘shock’, làm chấn động cộng đồng mạng. Mới đây, một nữ nghệ sĩ còn khiến dân mạng bất ngờ vì đăng tải thông tin có nội dung địa long (giun đất) chữa Covid-19. Cụ thể, trên trang cá nhân, nữ nghệ sĩ này gây chú ý khi liên tục đăng tải các bài viết chia sẻ về cách chữa trị Covid-19 bằng giun đất. Điển hình, ngày 14/8, cô này chia sẻ lại một bài viết có nội dung: “Bây giờ dịch bệnh nguy hiểm, cái chết đến nhanh như chớp, nếu đợi thủ tục cho phép công bố chính thức mất 5 năm nữa thì không kịp, ta chỉ có 30 phút để giữ mạng sống cho bệnh nhân Covid-19. Lúc đó đành phải học theo các chiến sĩ cách mạng mà đào giun nuốt vội trước khi virus sinh sôi nảy nở phủ trắng phổi làm ngộp thở”.

Vào ngày 16/8, cô tiếp tục đăng tải bài viết với tiêu đề "Ca mắc Covid-19 âm tính sau 5 ngày uống địa long". Dưới phần bình luận, cô còn để lại địa chỉ bán địa long khiến nhiều người hoài nghi cô đang quảng cáo cho đơn vị này.

Trước đó, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh vừa ra quyết định xử phạt một nữ MC 7,5 triệu đồng liên quan đến bài viết trên Facebook của nữ MC này. Cụ thể, ngày 10/7, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông) phát hiện MC V.H.P có đăng bài viết trên tài khoản Facebook, có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Người xưa có câu: “Họa từ miệng mà ra; Bệnh từ miệng mà vào”, tất cả đều nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của lời nói, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội đã và đang chiếm một phần không nhỏ trong đời sống. Nhiều “anh hùng bàn phím” vừa nổi danh đã được lực lượng chức năng “mời về làm việc”. Tại cơ quan chức năng, nhiều đối tượng còn “hồn nhiên” cho rằng, phát ngôn trên mạng không gây hại cho ai vì chẳng ai biết mình là ai, hoặc mạng là nơi để xả ra những căng thẳng, mệt mỏi, ức chế như một hình thức tâm sự giấu mặt… Có rất nhiều lý do để hình thành nên những phát ngôn bất cẩn, trong một bối cảnh nào đó có thể được gợi lại, khiến ai đó phải ân hận vì những lời mình đã từng nói ra.

Phát ngôn bất cẩn trên mạng xã hội đặc biệt nghiêm trọng đối với những người của công chúng, bởi những thông tin đó thường được lan truyền nhanh và dễ trở thành chủ đề gây tranh cãi, thậm chí còn khiến cuộc sống của họ “rơi vào bi kịch”. Chính vì thế, dù là ai cũng cần phải luôn luôn tuân thủ nguyên tắc căn bản nhất của lời nói “Cẩn trọng”, chính cách chúng ta cẩn trọng trong lời nói cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, người dùng mạng xã hội cần phải hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân Việt Nam. Như khoản 6 Điều 4 Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành bởi Bộ TT&TT đã nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”.

Chỉ khi bảo đảm quy tắc này, quyền tự do ngôn luận mới phát huy được hiệu quả trên không gian mạng.

Ý NHƯ

Quy định và thực hiện cũng cần linh hoạt, thực tế

Lê Minh Hoàng