/ Pháp luật - Đời sống
/ Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'Quà tặng Yody'

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'Quà tặng Yody'

23/07/2023 15:22 |

(LSVN) - Với hàng loạt lý do được nhóm lừa đảo đưa ra, nạn nhân đã nhiều lần vay mượn tiền của người thân, chuyển vào tài khoản cho những kẻ lừa đảo tổng cộng hơn 02 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.

Ngày 22/7, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, vừa tiếp nhận thông tin trình báo của bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1964, trú tại thị trấn Mađaguôi, huyện Đa Huoai) về việc bà bị lừa đảo mất hơn 02 tỉ đồng thông qua hình thức đăng ký nhận quà trên mạng xã hội.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị N., ngày 08/7 vừa qua, bà đăng ký tham gia chương trình nhận quà Hè trên Facebook.

Sau khi đăng ký, trang “Quà tặng Yody” yêu cầu bà N. cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà, đồng thời hướng dẫn bà tạo tài khoản trên Telegram để cấp “phiếu xác nhận quà tặng".

Sau khi được hướng dẫn tạo tài khoản Telegram, bà N. nhận được “mã nhận quà” và “phiếu xác nhận quà.” Tiếp đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu bà N. gửi “mã nhận quà” tới người có tên là Ngọc Anh qua tài khoản Telegram.

Bà N. được người xưng là “Giám đốc kinh doanh” hướng dẫn bà tham gia giúp hệ thống các cửa hàng thời trang Yody tăng doanh số bán hàng trên các trang thương mại điện tử thì sẽ được nhận quà.

Để nhận được tiền và quà tặng hấp dẫn, người này đề nghị bà N. thanh toán trước 300.000 đồng vào tài khoản ngân hàng Nam Á bank có tên DOAN VAN CHI LINH kèm theo lời hứa sau khi hoàn thành tăng doanh số, bà N. sẽ nhận được 360.000 đồng cùng phần quà trị giá từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng.

Thấy số tiền trên không lớn, khoảng 19 giờ ngày 17/7, bà N. đã chuyển vào tài khoản của nhóm lừa đảo 300.000 đồng. Một tiếng sau, bà N nhận được hình chụp đã chuyển khoản thành công cho bà 360.000 đồng của kẻ lừa đảo.

Sau đó, "Giám đốc kinh doanh" mời bà N. tiếp tục tham gia sự kiện số 2 để nhận được 30% hoa hồng từ sự kiện này, bà N phải đóng 2,6 triệu đồng.

Từ thời điểm này, nạn nhân liên tục bị cuốn vào các chiêu trò do nhóm đối tượng đưa ra. Số tiền bà N chuyển khoản cho chúng tăng từ vài triệu tới hàng trăm triệu đồng theo giá trị “hoa hồng” sẽ được nhận theo lời hứa hẹn của kẻ lừa đảo .

Đặc biệt, để đánh vào lòng tham của nạn nhân, kẻ lừa đảo đã tạo ra số tiền ảo rất lớn trong tài khoản của bà N. Tuy nhiên, muốn rút được số tiền này, kẻ lừa đảo đưa ra điều kiện, nạn nhân phải thanh toán 10% tổng số tiền có trong tài khoản.

Cụ thể, sáng 18/7, các đối tượng lừa đảo thông báo số tiền bà N được rút đã lên tới hơn 1,51 tỉ đồng. Các đối tượng đề nghị bà N. đóng 10% thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, tương đương 151 triệu đồng. Tưởng thật, bà N lại chuyển vào tài khoản do nhóm lừa đảo đưa ra 151 triệu đồng.

Đến trưa 19/7, người xưng là kế toán trưởng gửi cho bà N. hình với nội dung "Hệ thống nhắc nhở! Hoàn trả thất bại". Họ yêu cầu bà N. thanh toán tiếp 300 triệu đồng mới được giải ngân. Bà N xin giảm vì hết khả năng, thì được gia hạn đến 15 giờ 30 phút cùng ngày phải nộp đủ 300 triệu đồng.

Lo sợ mất khoản tiền hơn 1,6 tỉ đồng được hoàn lại nên bà N phải chạy vay mượn đủ 300 triệu đồng để chuyển vào tài khoản DOAN VAN CHI LINH. Thời gian này, số tiền trong tài khoản mà những kẻ lừa đảo hứa hẹn bà N sẽ được hưởng vẫn không ngừng tăng tên theo cấp số nhân vì bà Nhi đã đạt được danh hiệu VIP khiến nạn nhân càng ham.

Với hàng loạt lý do được nhóm lừa đảo đưa ra, trong khi số tiền mà bà N hứa hẹn được hưởng vẫn nhảy lên theo hàng giờ, nạn nhân đã nhiều lần vay mượn tiền của người thân, chuyển vào tài khoản cho bọn lừa đảo tổng cộng hơn 02 tỉ đồng.

Tới đêm 19/7, bà N. không còn liên lạc được với những người trong nhóm lừa đảo trên, nhận ra mình đã bị lừa đảo nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Bộ Công an cảnh báo 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam

Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam.

Theo Bộ Công an, hiện có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác), với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng ở Việt Nam.

Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các nhóm đối tượng là: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Các hình thức gồm: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen… giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…).

Bên cạnh đó là các hình thức: Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng… rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook; lừa đảo cho số đánh đề.

Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Trước tình trạng này, Bộ Công an và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo ba kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Trước hết là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng, trừ khi chắc chắn thông tin được sử dụng có kiểm soát. Người dân cần đảm bảo chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng.

Bên cạnh đó, người dân sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng. Mật khẩu nên dài hơn 8 ký tự và bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; nên đổi mật khẩu thường xuyên và không nên sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản khác nhau. Người dân cũng cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng; sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.

QUÝ NGUYỄN

Cảnh báo 9 lỗ hổng bảo mật nguy hiểm về an toàn thông tin trong Windows

Nguyễn Hoàng Lâm