/ Luật sư - Bạn đọc
/ Chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực báo chí cần bắt đầu từ Luật Báo chí

Chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực báo chí cần bắt đầu từ Luật Báo chí

29/01/2024 10:09 |

(LSVN) - Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí khá phức tạp, nhức nhối và đáng báo động, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và người làm báo chân chính. Vậy vấn đề đặt ra là phải chăng luật không nghiêm hay có kẽ hở nào trong khâu thực thi và giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Nhận diện một số sai phạm

Dư luận đặt ra vấn đề có tình trạng lách luật, nhờn luật trong hoạt động báo chí hay không? Được biết, năm 2022 Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 15 cơ quan Tạp chí với nhiều lỗi vi phạm khác nhau [1]. Ngoài ra cơ quan Thanh tra còn xử lý hàng nghìn bài viết vi phạm ở các mức độ khác nhau. Tình trạng giật tít, câu view đưa tin phản cảm, thiếu trung thực khách quan còn diễn ra khá phổ biến gây tâm lý ức chế cho công chúng.

Nghiêm trọng hơn đã có những vụ việc vi phạm đã được cơ quan Công an khởi tố hình sự. Đơn cử tại Thái Nguyên, ngày 01/12/2023, Cơ quan Cảnh sát (CSĐT) điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với 5 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự, gồm: Hoàng Văn Hữu (SN 1991), trú tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đào Văn Thể (SN 1980), trú tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Vũ Hoàng Bình (SN 1987) và Đỗ Mạnh Dũng (SN 1984), cùng trú tại thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đào Đình Luyện (SN 1977), trú tại xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. 

Mới đây, ngày 08/01/2024 Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Kim Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Kim Tiến, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An về hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để “bảo kê” cho xe tải. Theo cơ quan điều tra, trong thời gian năm 2020 đối tượng Nguyễn Thị Kim Tiến tự giới thiệu mình là Phóng viên, nhà báo và có quan hệ với cơ quan chức năng có thể can thiệp với Cảnh sát giao thông bỏ qua các lỗi các xe tải. Bước đầu cơ quan điều tra xác định Tiến đã chiếm đoạt số tiền khoảng 5 tỉ đồng để bảo kê cho hoạt động của nhiều xe tải. Vi phạm trong lĩnh vực báo chí và lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan báo chí và những người làm báo chân chính [2].

Nhiều cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích bị xử phạt, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề báo, nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và địa phương, đã có trường hợp nhà báo, phóng viên bị khởi tố hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tình trạng “báo hóa” Tạp chí, “tư nhân hóa”, “lợi ích nhóm” báo chí diễn ra ở nhiều cơ quan Tạp chí, thường là các Tạp chí ở các Hiệp hội, tổ chức xã hội. Những vấn đề này khá nhức nhối, việc ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn do các thuật ngữ này chưa được lượng hóa, chưa có quy định chi tiết trong Luật báo chí.

Vẫn còn nhiều vụ việc các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên yêu sách, yêu cầu đối tượng phản ánh cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc vượt quá thẩm quyền luật quy định là trái pháp luật. Hiện tượng này đang là nhức nhối gây phiền hà cho người dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và người làm báo chân chính.  


Ảnh minh họa.

Do đó, ngày 09/01/2024, Hội nhà báo Việt Nam đã có Văn bản số 01/CV-HĐXL để chấn chỉnh các hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương đang có dấu hiệu phức tạp, gia tăng để xử lý trong thời gian tới. Theo đó, có hiện tượng một số phóng viên, cộng tác viên liên kết thành từng nhóm có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính.

Đặc biệt ngày, 23/01/2024 Ban Tuyên giáo Trung ương đã có văn bản gửi các cơ quan Tạp chí và cơ quan chức năng về việc tăng cường chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động báo chí, hoạt động nghiệp vụ và vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động của các Tạp chí chủ yếu xảy ra ở các Tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,… Đồng thời yêu cầu các cơ quan Tạp chí phải khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế hoạt động, quy trình tác nghiệp theo hướng minh bạch, công tâm, khách quan, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, đề cao sự chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại có thể giám sát và ngăn ngừa tiêu cực phát sinh. Ngoài ra, quản lý chặt việc cấp giấy giới thiệu,...

Nhiều vấn đề mới… nhưng chưa làm rõ trong luật

Thực trạng đó đặt ra vấn đề hoàn thiện pháp luật về báo chí và tìm giải pháp ngăn chặn, xử lý vấn đề vi phạm trong hoạt động báo chí trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau 7 năm ra đời, Luật Báo chí năm 2016 đã góp phần đưa hoạt động báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Vô tình chung luật đã cản trở sự phát triển của báo chí trong tình hình mới, vừa là tạo ra kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lách luật, vi phạm pháp luật và trục lợi.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, thậm chí cần thiết có thể nghiên cứu ban hành Luật Báo chí mới là tất yếu khách quan để đáp ứng hoạt động báo chí trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Báo chí cũng phù hợp với chủ trương quy hoạch phát triển báo chí và quản lý nhà nước về báo chí đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 với mục tiêu xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội.

Nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng họ sẵn sàng trả tiền cho các sản phẩm báo chí chất lượng cao nhưng luật chưa quy định vấn đề này. Ngoài ra, sự ra đời của mạng xã hội facebook, zalo, tiktok, trang thông tin điện tử đã cạnh tranh trực tiếp với báo chí truyền thống, báo mạng điện tử những vấn đề này cần được luật hóa để thực hiện, tránh tranh chấp về bản quyền, sở hữu trí tuệ, quảng cáo... Một vấn đề nữa là vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn sai phạm nhưng quy định hiện nay trong Luật Báo chí chưa quy định hoặc có quy định nhưng còn chung chung, chưa đáp ứng với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của môi trường báo chí hiện tại.

[1] https://tuoitre.vn/xu-phat-9-tap-chi-co-sai-pham-trong-hoat-dong-tiep-tuc-thanh-tra-nhieu-co-quan-bao-chi-20221003105852238.htm

[2] https://tienphong.vn/bat-nu-giam-doc-loi-dung-danh-nghia-bao-chi-bao-ke-xe-tai-post1602661.tpo

HƯNG NGUYÊN

Bùi Thị Thanh Loan