/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Chế định không tố giác tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam

Chế định không tố giác tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong những năm gần đây, tỷ lệ khám phá tội phạm của cơ quan điều tra luôn được nâng cao, tuy nhiên, số lượng vụ án chưa được khám phá vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến việc này không chỉ xuất phát từ hiệu quả làm việc của cơ quan chức năng, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng phạm tội, mà còn phụ thuộc rất lớn vào thái độ tham gia đấu tranh với tội phạm của quần chúng nhân dân.

Việc người dân không thực hiện nghĩa vụ trong việc tố giác tội phạm không những gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng, trong nhiều trường hợp còn kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đặc biệt trong một số trường hợp, việc không tố giác tội phạm có thể là một trong những nguyên nhân gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ như trong các vụ khủng bố, giết người, hiếp dâm...

Ảnh minh họa.

Chính vì mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi không tố giác tội phạm được đưa vào pháp luật hình sự từ rất sớm. Thời nhà Lê, để bảo vệ lợi ích của nhà nước phong kiến, hành vi không tố giác tội phạm đã được đưa vào pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 500 Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) quy định: “Những người biết có kẻ mưu phản loạn, mưu đại nghịch, thì phải đến mật báo ngay với các quan ty gần đó, nếu không tố cáo, thì xử tội lưu đi châu xa. Biết có kẻ chỉ trích nhà vua hay là đặt ra những lời quái gở mà không đi báo, thì xử nhẹ hơn tội kể trên một bậc. Quan ty thấy báo mà không tâu lên hay đi bắt ngay (quan ở kinh thành thì phải tâu ngay, quan ở ngoài thì phải bắt ngay), để quá nửa ngày, thì cũng phải tội như kẻ không đi báo. Nếu là việc truy bắt còn phải sắp đặt nên quá thời hạn trên thì không phải tội”.

Đặc biệt, trong Bộ luật này, các nhà làm luật đã phân chia riêng biệt trách nhiệm hình sự giữa quan và dân thường, cụ thể tại Điều 158 quy định: “Các quan giám lâm, quan chu ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác, xử biếm hai tư, đàn cư quan biết mà không phát giác, tội cũng như thế. Những người biết hàng xóm của mình phạm tội mà không phát giác, tội giảm một bậc. Riêng việc đúc tiền và việc phản nghịch là tội nặng, thì luận tội khác”.

Điều 355 Bộ luật còn quy định việc khen thưởng cho người tố giác tội phạm: “Dân đinh mà tự thiến mình, thì xử tội lưu; ai thiến hộ hoặc chứa chấp kẻ ấy, thì giảm tội một bậc; các nhà lân cận không tố cáo, thì xử tội nhẹ hơn hai bậc; xã quan không phát giác, thì xử tội đồ; người tố cáo đúng sự thật thì được thưởng một tước tư”.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của vấn đề nho giáo, luật còn xem xét các trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp không tố giác người có công nuôi dưỡng, bề trên, trừ các tội mưu phản, giết người. Cụ thể Điều 504 quy định như sau: “Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ, nô tỳ tố cáo chủ có tội lỗi gì, đều xử tội lưu đi châu xa; vợ tố cáo chồng cũng bị tội trên. Tố cáo ông bà ngoại, cha mẹ và ông bà, cha mẹ về bậc tôn trưởng vào hàng cơ thân của chồng, cùng là nô tỳ tố cáo người vào bậc cơ thân của chủ, dẫu việc có thật, cũng phải tội biếm hay tội đồ; nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ thì cho phép tố cáo”.

Như vậy có thể thấy trong Quốc triều Hình luật, tội không tố giác tội phạm được quy định khá cụ thể, chi tiết, làm rõ được nhiều khía cạnh đạo đức, xã hội liên quan.

Đến năm 1985, sau khi Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta ra đời, tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 19 và Điều 247.

Cụ thể, Điều 19 quy định như sau: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định”.

Điều 247 quy định: “Người nào biết rõ một trong những tội phạm quy định ở các Điều sau đây đang được chuẩn bị hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm: các Điều từ 72 đến 85 về các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia; Điều 87 (tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy); Điều 94, khoản 2 (tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia…”.

Việc Bộ luật Hình sự năm 1985 chính thức ghi nhận về mặt pháp lý tội không tố giác tội phạm là bước tiến bộ về kỹ thuật lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Tuy nhiên, Bộ luật này có quy định trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố tác tội phạm trong duy nhất một trường hợp (khoản 2 Điều 247): “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Bộ luật Hình sự năm 1985 được xây dựng dựa trên Bộ luật Hình sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga 1960 (Bộ luật Hình sự CHXHCN Xô viết LB Nga 1960). Tuy nhiên, khác với luật của nước bạn, trong Phần chung, tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 1985, nhà làm luật đã không đưa ra các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm, như: cha ruột, mẹ ruột, anh ruột, chị ruột, em ruột, cô ruột, chú ruột, dì ruột, bác ruột, con ruột, con nuôi, ông bà của người thực hiện hành vi phạm tội. Rõ ràng đây là điểm thiếu sót rất lớn trong Bộ luật Hình sự năm 1985, bởi luật pháp phải được xây dựng dựa trên tình và lý, vấn đề đạo đức, tình cảm ruột thịt là vấn đề không thể tách rời khi xây dựng luật. Việc miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người thân ruột thịt của người phạm tội về hành vi không tố giác tội phạm là cần thiết, trừ trường hợp những vụ án đặc biệt nghiêm trọng (giết người, phản quốc...).

Tiếp theo, pháp luật hình sự Việt Nam có nhiều thay đổi và cải cách, cụ thể là sự ra đời của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.Trong hai Bộ luật này, về cơ bản nguyên tắc áp dụng đối với tội không tố giác tội phạm không có nhiều thay đổi.

Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bổ sung khoản mới (khoản 2) nhằm thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của ông, bà, cha, mẹ, con cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người có hành vi không tố giác, khi biết người thân của mình phạm tội. Quy định này được bổ sung trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống nhân văn trong pháp luật của Việt Nam. Trong Bộ luật Hồng Đức đã quy định việc không trừng phạt (trừ tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ) đối với việc không tố giác tội phạm giữa những người thân thích.

Theo quy định mới được bổ sung, thì người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia (quy định tại các Điều từ 78 đến 91 của Bộ luật) hoặc các tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại khoản 1 Điều 313 (chứ không phải mọi tội phạm được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 1999).

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 có thay đổi không nhiều, cụ thể Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Như vậy có thể thấy, qua nhiều giai đoạn phát triển, chế định không tố giác tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam được quy định ngày càng chặt chẽ và rõ ràng, thể hiện trình đội lập pháp cao của các nhà làm luật.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn áp dụng Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội không tố giác tội phạm, tác giả đưa ra một số quan điểm sau đây:

1. Cấu trúc của Điều 390 còn chưa hợp lý

Thứ nhất, các nhà làm luật chỉ liệt kê 83 tội phạm, nếu không tố giác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc liệt kê 83 loại tội phạm trên là không hợp lý, bởi bản thân người dân cũng không thể biết được hành vi nào cần tố giác, hành vi nào không cần tố giác.

Thứ hai, trong 83 loại tội phạm được đưa ra tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015, có tội phạm chỉ thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Cụ thể khoản 2 Điều 173 - tội trộm cắp tài sản là tội phạm thuộc mức nghiêm trọng được đưa vào danh sách những loại tội phạm nếu không tố giác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, còn rất nhiều tội phạm khác thuộc diện rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không được liệt kê trong Điều 390. Vậy các nhà làm luật dựa trên căn cứ gì để liệt kê 83 loại tội phạm nói trên vào Điều 390? Theo tác giả, nên quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tất cả các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ ba, nên quy định hành vi không tố giác tội phạm có hai khung hình phạt. Khoản 1 có khung hình phạt nhẹ hơn, quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm đã được hoàn thành. Khoản 2 quy định khung hình phạt nặng hơn đối với hành vi không tố giác tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc đang được thực hiện. Bởi chúng ta đều thấy rằng, việc không tố giác tội phạm đang trong giai đoạn chuẩn bị hoặc đang được thực hiện có mức độ nguy hiểm cao hơn.

Ví dụ, trong vụ án giết hại nữ sinh giao gà tại tỉnh Điện Biên, Bùi Thị Kim Thu (SN 1975) nhiều lần chứng kiến chồng và đồng bọn thực hiện hành vi hiếp dâm Cao Thị Mỹ Duyên, cũng như chứng kiến các đối tượng thực hiện hành vi sát hại nạn nhân, nhưng không tố giác với cơ quan chức năng. Trong trường hợp này, rõ ràng hành vi không tố giác tội phạm trong giai đoạn thực hiện có mức độ nguy hiểm cao hơn, bởi nếu Thu kịp thời tố giác với cơ quan chức năng để giải cứu Cao Thị Mỹ Duyên thì hậu quả chết người đã không xảy ra.

2. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định miễn trừ trách nhiêm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, người bào chữa của người phạm tội. Tác giả nhận thấy thực tế cần bổ sung thêm một số trường hợp sau đây:

- Người thân của người bị buộc tội (trừ trường hợp người thân thích được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015): người có ý nghĩa quan trọng đối với người bị buộc tội, hoặc những người khác mà tính mạng, sức khỏe, lợi ích của họ có liên quan trực tiếp đến người bị buộc tội. Ví dụ: A biết B phạm tội cướp tài sản nhưng không tố giác, vì A và B sinh sống với nhau như vợ chồng được 07 năm, tuy nhiên giữa A và B không có đăng ký kết hôn. Theo tác giả trong trường hợp này, nên miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với A. Bởi vì việc xem xét miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm dựa trên vấn đề đạo đức và nhân văn của xã hội. Việc A với B sinh sống với nhau được 07 năm, tình cảm của A và B không khác gì những đôi vợ chồng bình thường.

- Ngoài ra, cần bổ sung những trường hợp cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, con nuôi, bố mẹ nuôi vào trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm.

- Cần xem xét miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp, nếu hành vi tố giác tội phạm gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bản thân người tố giác.

Thạc sĩ HOÀNG VĂN LUÂN
Giảng viên Khoa Cảnh sát điều tra
Học viện Cảnh sát nhân dân
/luat-su-can-xem-xet-trach-nhiem-phap-ly-cua-can-bo-phu-trach-viec-cach-ly-y-te-tap-trung-cua-vietnam-airlines.html