/ Pháp luật - Đời sống
/ Chế tài pháp lý đối với dự án nghìn tỉ 'chết yểu' đến những lô 'đất vàng' bị bỏ hoang của Vicem

Chế tài pháp lý đối với dự án nghìn tỉ 'chết yểu' đến những lô 'đất vàng' bị bỏ hoang của Vicem

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện tượng hàng loạt các khu đất, các dự án tọa lạc tại các vị trí “kim cương” giữa lòng Thủ đô nằm “chết yểu” nhiều năm sau lễ khởi công thật hoành tráng không còn là điều quá xa lạ. Nhiều dự án bị bỏ hoang hơn chục năm nay đã và đang gây lãng phí tài nguyên đất và trực tiếp làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị…

Vicem Tower bất động “chết yểu” sau mười năm xây dựng.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) được xây dựng được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam thuộc lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. 

Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam.

Dự án do Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.482 tỉ đồng. Sau hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án Vicem Tower đã tăng lên 2.743 tỉ đồng (gần gấp 2 lần).

Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay, công trình Dự án Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô. Đến thời điểm hiện tại dự án chỉ là một bãi hoang tàn,cửa đóng then cài, công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ mọc hoang hóa ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh xuống cấp nghiêm trọng…

Liên quan tới công trình này, ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án.

Quang cảnh im lìm, bất động bên trong dự án Vicem Tower.

Được biết, dự án hoàn thành phần thô sau khi ngưng tiến độ từ năm 2015 do Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng cho đối tác khác nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.

Theo báo cáo của Vicem, lý do của việc chuyển nhượng là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng). Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Vì vậy, từ năm 2015, Vicem đã xúc tiến và báo cáo Bộ Xây dựng xin chuyển nhượng dự án.

Đến lô “đất vàng” bị bỏ hoang

Lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được Hội đồng thành viên Vicem phê duyệt để thực hiện dự án Khu nghiên cứu và phát triển, tổ hợp công trình gồm có 3 khu. Khu 1 là công trình gồm 9 tầng nổi và 2 tầng hầm, với chiều cao công trình 46,5m. Diện tích xây dựng 7.110m2, mật độ xây dựng 49,6%. Tổng diện tích sàn xây dựng là 47.100m2. Khu 2 là công trình gồm 2 khối tầng nổi (khối 19 tầng và khối 7 tầng) và 2 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 70.965m2. Khu 3 sẽ là khối công trình gồm 17 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích xây dựng 2.720m2.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng, trong đó khu 1 hơn 1.575 tỉ, khu 2 là 2.969 tỉ và khu 3 là 1.630 tỉ. Về nguồn vốn để thực hiện dự án, vốn tự có của Vicem chiếm 20%, vốn vay thương mại chiếm 80%.

Thời gian thực hiện dự án từ 2012 đến 2019. Đơn vị được chọn tư vấn lập dự án là Công ty POSCO A&C Co.LTD (Hàn Quốc) – nhà thầu chính và Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam làm thầu phụ.

Ngày 27/11/2015, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 tỉ lệ 1/2000, dẫn đến có sự thay đổi về chức năng sử dụng đất của 3 khu thuộc dự án của VICEM so với quy hoạch mặt bằng tổng thể 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận năm 2011.

Do đó, hiện nay dự án mới dừng lại ở giai đoạn lập và xin thỏa thuận phương án kiến trúc và giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình như khoan khảo sát, thẩm tra thiết kế cơ sở, chi phí Ban quản lý dự án…

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa bày tỏ quan điểm, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa.

Tuy nhiên, quy định pháp luật về xử lý các dự án “treo” hiện nay vẫn chưa khả thi, vậy nên tình trạng “treo” chưa thể giảm, thậm chí có dự án “treo” tới hơn 10 năm. Chính vì vậy, các biện pháp xử lý vấn đề trên cần phải quyết liệt hơn và cần có những quy định chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Một số phương pháp giải quyết có thể áp dụng như:

- Chính quyền địa phương, cấp tỉnh, thành cần phải thắt chặt công tác thẩm định, đánh giá tác động của mỗi một dự án đề nghị chấp thuận chủ trương. Đối với các dự án đã được chấp thuận và đi vào hoạt động thì cần phải giám sát chặt chẽ, xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc các vấn đề phát sinh để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ, không những vậy còn xem xét vấn đề thu hồi khi có dấu hiệu vi phạm hoặc không đảm bảo thực hiện.

- Dự án bị “treo” có nguyên do từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư dự án vào khả năng giá trị đất đai tăng thêm không do mình tạo ra. Vậy pháp luật đất đai cần quan tâm đặc biệt tới giải pháp xác định và phân bổ lại giá trị đất đai tăng thêm theo nguyên tắc công bằng đối với những người tạo ra nó. Giải pháp ở Việt Nam cũng cần nghiên cứu sắc thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm và phương thức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án phát triển hạ tầng làm cho giá trị đất đai tăng thêm.

Cuối tháng 7/2020, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) trong việc đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).

TẠ TUẤN

Lê Minh Hoàng