/ Trao đổi - Ý kiến
/ Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có thể bị phạt tù đến 15 năm

Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có thể bị phạt tù đến 15 năm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định chính xác mức hình phạt đối với hành vi này thì cần căn cứ cụ thể vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Từ đó xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi,… Trong trường hợp, hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” hoặc tội “Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Ảnh minh họa.

Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi lấy các tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước làm của riêng bằng bất kỳ thủ đoạn nào. Theo quy định của khoản 1, Điều 2, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 thì: “Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác".

Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:

– Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

– Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;

– Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước bảo đảm đúng mục đích, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Cần chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 5. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước như sau:
1. Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
2. Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
3. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
4. Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
6. Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
7. Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
8. Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
9. Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước” là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định chính xác mức hình phạt đối với hành vi này thì cần căn cứ cụ thể vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Từ đó xác định động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi…

Trong trường hợp, hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”; tội “Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

So với Điều 263 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này, thì Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có sửa đổi, bổ sung gì lớn, chỉ bỏ các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”, mà thay vào đó là các tình tiết: “bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa” (khoản 2 Điều 337) và “có tổ chức; bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; phạm tội 02 lần trở lên và gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” (khoản 3 Điều 337).

Việc nhà làm luật quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau trong cùng một điều luật là căn cứ vào hành vi xâm phạm cùng một khách thể, tác động đến cùng một đối tượng, đó là bí mật nhà nước. Mặt khác, các hành vi phạm tội đều có tính chất nghiêm trọng tương tự như nhau. Vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội cũng như khi định tội danh, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể để định tội cho chính xác.

Các yếu tố cấu thành tội phạm

Về khách thể, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực.

Chủ thể của tội danh này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định. Tuy nhiên, người phạm tội này cũng thường là những người có trách nhiệm giữ tài liệu bí mật nhà nước.

Về mặt khách quan, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước thể hiện thông qua việc sử dụng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.

Tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó.

Mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Khung hình phạt

Điều 337 Bộ luật Hình sự quy định người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

– Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

– Có tổ chức;
– Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngày 20/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự, đối với 04 bị can:
1. Nguyễn Đức Chung, sinh ngày 03/8/1967, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; cư trú tại phố Trung Liệt, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội;
2. Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983, nguyên cán bộ Công an; cư trú tại CT1- Chung cư Ecogreen, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội;
3. Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 28/7/1983, Chuyên viên Phòng thư ký biên tập; cư trú tại Tòa nhà T2, Chung cư Grand City, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội;
4. Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập; cư trú tại Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Kết luận điều tra đã được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt đến các bị can và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố theo quy định của pháp luật.

THANH THANH

/mot-so-van-de-phap-ly-lien-quan-den-toi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc.html
/nhung-dau-hieu-co-ban-cua-toi-chiem-doat-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc.html