/ Dọc đường tố tụng
/ Chính thức thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Chính thức thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, chiều 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tổng số phiếu tán thành là 94,61%.

Quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; vấn đề bình đẳng giới và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính được bảo đảm; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận đóng góp của đại biểu tại kỳ họp, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn. Sau khi nghe báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều 5 và điều 10 với số phiếu tán thành tương ứng là: 92,74%, 91,08%

Việc Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng luật: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua có 6 chương với 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng gồm: Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân.

Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định trong luật gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới.

Luật quy định nhiệm vụ biên phòng gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng, trong đó có các hành vi như: Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới. Giả danh cơ quan, tổ chức, người thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, cản trở, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thực thi nhiệm vụ biên phòng. Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái quy định của pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

THANH THANH (t/h)

/nguoi-co-quyen-loi-nghia-vu-lien-quan-trong-vu-an-tranh-chap-ve-quyen-su-dung-dat.html