/ Luật sư trực ban
/ Cho vay lãi nặng thế chấp bằng clip, hình ảnh nhạy cảm: Những hệ lụy khó lường

Cho vay lãi nặng thế chấp bằng clip, hình ảnh nhạy cảm: Những hệ lụy khó lường

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi sử dụng các thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm để đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền, buộc họ phải trả nợ, đặc biệt là trả nợ với lãi suất "cắt cổ" thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh hành vi của các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cho vay lãi nặng thế chấp bằng ảnh khỏa thân

Cho vay nặng lãi thế chấp bằng ảnh khỏa thân, clip khiêu dâm là một thủ đoạn rất mới và đặc biệt tinh vi của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực "tín dụng đen" nhằm khống chế con nợ, ép trả lãi suất cao.

Ngày 27/10, Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi), Khương Thị Tuyến (29 tuổi) và Nguyễn Huy Hiển (34 tuổi) bị Công an quận Nam Từ Liêm tạm giữ để điều tra hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đây là đường dây thứ 2 với cùng một thủ đoạn bị Cơ quan Công an quận triệt phá trong thời gian vừa qua.

Theo điều tra, từ đầu năm đến nay, Thủy và Tuyến cho nhiều khách vay lãi nặng dưới hình thức bốc bát họ với mức lãi suất từ 5.000 đến 20.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Khách có nhu cầu, Thủy đề nghị gửi ảnh khỏa thân để thế chấp. Khi khách chậm trả tiền, Thủy dùng các video này để uy hiếp.

Tuyến bị cáo buộc đăng các bài quảng cáo lên mạng để tìm khách cho Thủy. Tuyến cũng trực tiếp đứng ra thẩm định nhân thân khách hàng rồi báo cáo lại để Thủy quyết định "rót tiền". Người nào có nhu cầu vay nhưng không biết chụp ảnh khỏa thân, Tuyến sẽ giải thích cặn kẽ và hướng dẫn cách chụp. Mỗi hợp đồng thành công, Tuyến được Thủy trả 500.000 đồng.

Trong đường dây này, Hiển được trả công 5 triệu đồng một tháng để tìm khách vay và đi thu tiền lãi.

Cảnh sát xác định, nhóm này đã cho 50 nhân viên quán karaoke trên địa bàn Hà Nội và 35 người khác vay 1,8 tỉ đồng dưới hình thức bốc bát họ, hưởng lợi 826 triệu đồng.

Thuỷ (trái) và Tuyến tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì "thế chấp tài sản" là một trong những biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đối tượng để thế chấp phải là tài sản, tài sản có thể là vật hoặc quyền tài sản, trong đó tài sản phải có các thuộc tính là có thể quản lý, sử dụng, định đoạt. Còn ảnh, clip và hình ảnh, thông tin cá nhân thuộc về quyền nhân thân, là quan hệ nhân thân chứ không phải là quan hệ tài sản. Người cầm giữ hình ảnh, thông tin của cá nhân chỉ có thể sử dụng thông tin, hình ảnh đó vào các mục đích hợp pháp. Không được phép sử dụng các thông tin hình ảnh đó để bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người có thông tin, hình ảnh.

"Vì vậy, việc cầm cố, thế chấp cho khoản vay bằng các hình ảnh nhạy cảm, các thông tin cá nhân không được xác định là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách hợp pháp, mà chỉ là phương thức thủ đoạn, là cách thức để các đối tượng cho vay nặng lãi có thể sử dụng để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, buộc nạn nhân phải trả nợ", Luật sư Cường phân tích.

Pháp luật quy định giao dịch vay tiền là quan hệ dân sự, nếu bên vay tài sản không trả lại tiền vay gốc, lãi đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền để đòi nợ.

Hệ lụy khó lường

Trong vụ việc này, người vay đang bị lệ thuộc bởi người cho vay, đặc biệt là khi người cho vay tiền đang cầm giữ các thông tin, hình ảnh nhạy cảm. Nếu các thông tin hình ảnh này được công khai trên mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người vay tiền.

Trường hợp người cho vay tiền hoặc người đòi nợ sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền để đe dọa, uy hiếp tinh thần họ nhằm đòi nợ không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Hành vi này được xác định là động cơ đê hèn. Việc tung những ảnh khỏa thân, những clip nhảy cảm của nạn nhân là nữ, trẻ tuổi thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình của nạn nhân.

Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân và gây ra nhiều hậu liên hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Nếu việc đe dọa uy hiếp tinh thần này để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Trường hợp tung các clip khiêu dâm, những hình ảnh có yếu tố đồi truỵ lên không gian mạng thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy". 

Hành vi sử dụng các thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm để đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền, buộc họ phải trả nợ, đặc biệt là trả nợ với lãi suất cắt cổ thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh hành vi của các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Những vụ việc như trên cũng cho thấy một bài học đối với các bạn trẻ khi vay tiền bằng mọi giá, không lường trước những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân mình, với gia đình và người thân. Việc vay tiền "thế chấp" bằng các thông tin nhạy cảm của cá nhân, các clip, hình ảnh khỏa thân là tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm. Các thông tin, hình ảnh đó hoàn toàn có thể bị lộ lọt và phát tán lên không gian mạng, khi sự việc xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng.

"Ngoài ra, lợi dụng những thông tin, hình ảnh như vậy, các đối tượng xấu có thể đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền để cưỡng đoạt tài sản. Cái giá phải trả, hậu quả phải gánh chịu so với số tiền vay là không tương xứng, bởi vậy các bạn trẻ cần nhận thức rõ hành vi và lường trước những hậu quả có thể xảy ra để có cách lựa chọn, quyết định đúng đắn khi giải quyết các vấn đề về tài chính", Luật sư Cường chia sẻ.

Xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, vị Luật sư cũng cho rằng hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Như vậy, Bộ luật Dân sự quy định vay tài sản (vay tiền) là quan hệ dân sự, các bên giao dịch trên cơ sở tự nguyện, hai bên có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng. Trường hợp thỏa thuận lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên thì pháp luật không thừa nhận và còn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý. 

HỒNG HẠNH

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần đáp ứng các tiêu chí gì khi phục vụ tại chỗ?

Lê Minh Hoàng