/ Góc nhìn
/ Chủ động thông tin chính thống, tích cực đến người dân

Chủ động thông tin chính thống, tích cực đến người dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là các nền tảng mạng xã hội với lợi thế nhanh chóng, thuận tiện đang chiếm lĩnh không gian, lượng thông tin của xã hội. Nhiều thông tin được lan truyền trên mạng thời gian khá lâu thì các kênh thông tin được Nhà nước quản lý như trang tin, báo chí chính thống mới cập nhật, đưa tin hoặc phản bác.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội ai cũng có thể đăng, có thể đưa nên việc kiểm duyệt, kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu việc đưa thông tin không chính xác, thông tin "xấu độc" gần như là không thể. Vì thế, các cơ quan chức năng chỉ có thể là khâu hậu kiểm, xử lý hậu quả về sau.

Thông tin không chính xác, không được kiểm chứng có tác hại tiêu cực rất lớn đối với xã hội. Bởi lẽ, nhiều trường hợp thông tin không chính xác được đăng trên các nền tảng xã hội thì đến khi cơ quan chức năng có phản hồi, phản bác thì hậu quả đã xảy ra. Nhiều thông tin không chính xác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cả cơ quan Nhà nước, nhất là gây mất trật tự xã hội, hoang mang trong dư luận.

Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là các cơ quan chức năng có liên quan, các cơ quan báo chí chính thống cần chủ động đưa thông tin chính thống, tích cực một cách nhanh chóng, kịp thời. Điều này không chỉ cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người dân, cơ quan, tổ chức mà quan trọng hơn là nhằm ngăn chặn, phản bác các thông tin không chính xác, thông tin "xấu độc" do những kẻ xấu, cơ hội, phản động đưa lên nhằm xuyên tạc, kích động người dân, xúc phạm, bôi nhọ cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền hoặc xúc phạm, bôi nhọ người khác.

Việc cơ quan chức năng chậm cung cấp thông tin nên ngay cả người dân bình thường vì không nắm rõ nguồn tin mà đã vội chia sẽ, đăng lại các thông tin này ảnh hưởng vừa gây mất trật tự an toàn xã hội, vừa vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc chủ động thông tin chính thống, tích cực còn góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Bởi vì, các thông tin chính thống là kênh rất quan trọng để người dân tin tưởng nắm bắt, tìm hiểu và thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường, chủ động thông tin chính thống, tích cực để thông tin đến với người dân, xã hội được tốt hơn, kịp thời hơn. Đồng thời, đây cũng là biện pháp quan trong nhằm chiếm lĩnh, giành lại không gian thông tin, loại trừ dần các thông tin không chính xác, xuyên tạc, thông tin "xấu độc" ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, tổ chức và công tác quản lý, điều hành của cơ quan chức năng.

                                                               Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                                Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Khi lỗ mũi là tài nguyên

Lê Minh Hoàng