/ Đời sống - Xã hội
/ Chung tay xây dựng Thừa Thiên - Huế xanh, sạch, sáng

Chung tay xây dựng Thừa Thiên - Huế xanh, sạch, sáng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng tại các địa phương, làm thay đổi diện mạo của đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

TP. Huế là một thành phố xanh.

Điều đó đã góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; bảo đảm môi trường, cảnh quan đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng xanh, sạch, sáng…

Chú trọng bảo vệ môi trường

Được phát động sáng vào sáng 20/1/2019, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên - Huế với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” đang thật sự lan tỏa, có hiệu ứng rất mạnh. Với các hoạt động như: Ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị; ra quân làm vệ sinh môi trường trên và dọc hai bờ sông Hương; tổ chức đội hình tuyên truyền và lập lại trật tự nếp sống văn minh đô thị tại một số tuyến đường chính ở thành phố Huế…

Các phong trào “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, “Nói không với túi ny lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”..., đã tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức của mọi tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan trên địa bàn toàn tỉnh.

Huế ngày càng xanh, sạch, sáng.

Có được những thành quả đó, trước hết có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề vệ sinh môi trường. Nhiều Chỉ thị, Kế hoạch cụ thể đã được Tỉnh ủy, UBND ban hành với các giải pháp thiết thực, cụ thể. Những việc làm của Thừa Thiên - Huế thời gian gần đây mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng trên toàn quốc, trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi theo.

Song bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ gia tăng, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của nhiều tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người dân chưa cao, vẫn còn hành động tùy tiện vất rác ra đường phố, các khu vực công cộng còn phổ biến, sự phối hợp của các cấp các ngành chưa đồng bộ, chưa có chế tài đủ mạnh, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm về vệ sinh môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào

Để các phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn; tạo sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng về việc bảo vệ môi trường. Chuyển nhận thức từ “nhặt một cọng rác” đến “đổ rác đúng chỗ” trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục phát động các phong trào, chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường gắn với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên - Huế thêm xanh, sạch, sáng.

Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai phong trào Ngày Chủ nhật Xanh hiệu quả, góp phần quan trọng chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới. Quan tâm xây dựng và phát triển các hình mẫu đô thị xanh. Xây dựng các tuyến phố văn minh, các tuyến đường, khu dân cư, điểm công cộng xanh, sạch, sáng.

Các lực lượng tiến hành vệ sinh tại sông An Cựu, phường An Đông hưởng ứng ngày “Ngày chủ nhật xanh”.

Quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh, công viên; tăng mật độ cây xanh ở khu vực đô thị. Nghiên cứu thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, trước mắt thực hiện tại địa bàn thành phố Huế. Thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải đúng quy định, trong đó, lưu ý tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện.

Nghiên cứu, gắn tiêu chí đánh giá “Chủ nhật Xanh” trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, điển hình, những cách làm sáng tạo.

Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường và trật tự mỹ quan đô thị…

Thừa Thiên - Huế đang thay đổi từng ngày, đặc biệt là sau khi thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH ngày 27/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị kể từ ngày 01/7/2021. Hãy chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

Để làm được điều này, quan trọng cần nhất vẫn là cần sự quan tâm định hướng, chỉ đạo, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp của các cơ quan, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự đồng thuận của tất cả người dân để sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

THANH ANH

Sư đoàn 324 tổ chức đối thoại dân chủ quý II năm 2021

Lê Minh Hoàng