/ Pháp luật - Đời sống
/ Chuyên viên bị bắt vì cấp trái phép thẻ luồng xanh: Tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' hay tội 'Nhận hối lộ'?

Chuyên viên bị bắt vì cấp trái phép thẻ luồng xanh: Tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' hay tội 'Nhận hối lộ'?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cấp thẻ "luồng xanh" cho các phương tiện không đủ điều kiện hoặc các phương tiện đủ điều kiện nhưng vẫn phải mất tiền là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền nói chung, đối với ngành giao thông vận tải nói riêng, gây ra bất bình đẳng, tiêu cực trong xã hội.

Ngày 26/8/2021, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, trú tại Tổ dân phố 10 Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là chuyên viên công tác tại Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt cấp thẻ "luồng xanh", về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra đã làm rõ, lợi dụng được giao duyệt, cấp thẻ "luồng xanh" cho các đơn vị vận tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nga đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.

Hành vi của Nga đã ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Liên quan tới vụ việc này, chiều 27/8, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chính thức lên tiếng xin lỗi sâu sắc tới nhân dân và các doanh nghiệp vận tải về sự việc này.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận tiền của cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện công việc theo yêu cầu của họ thì có thể còn là hành vi nhận hối lộ chứ không đơn giản chỉ là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cấp thẻ "luồng xanh" cho các phương tiện không đủ điều kiện hoặc các phương tiện đủ điều kiện nhưng vẫn phải mất tiền là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền nói chung, đối với ngành giao thông vận tải nói riêng, gây ra bất bình đẳng, tiêu cực trong xã hội. Hành vi này còn có thể dẫn đến tình trạng cấp phép luồng xanh không đúng quy định, các tài xế tỏ ra khinh nhờn, coi thường pháp luật, có thể sử dụng tiền để mua chuộc, hối lộ cơ quan chức năng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội...

Với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Phạm tội 02 lần trở lên; 

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Bình sự, hành vi phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm tù nếu bị kết tội về tội danh này.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những hồ sơ, những trường hợp đã được cấp giấy luồng xanh trái quy định, những ai đã nộp tiền và số tiền nộp được thực hiện như thế nào để phân biệt với tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Môi giới hối lộ".

Quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đã có sự thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để để thực hiện công vụ theo yêu cầu của người đưa tiền (việc đưa tiền có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian, có thể là đưa trước hoặc đưa sau nhưng đã có sự thỏa thuận về số tiền, giá tiền từ trước) thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm hoặc thay đổi sang tội danh này. 

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khác với các tội "Nhận hối lộ" là tội đưa và nhận hối lộ có sự thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, kết quả là người đưa tiền được hưởng lợi từ chức vụ quyền hạn của người nhận tiền, người nhận tiền cũng được hưởng lợi từ số tiền đó. 

Một đặc điểm dễ phân biệt giữa các tội danh này là tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" thì có hành vi làm “trái công vụ” còn tội "Nhận hối lộ" thì chưa chắc đã phải là trái công vụ. Người nhận tiền có thể vẫn thực hiện “đúng công vụ” nhưng được hưởng lợi từ số tiền thỏa thuận trước đó.

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" và tội "Nhận hối lộ" đều nhắc đến yếu tố “vụ lợi” nhưng trong tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" thì yếu tố vụ lợi chỉ là động cơ, không phải là một sự thỏa thuận từ trước như tội đưa và nhận hối lộ. Số tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất trong tội đưa hối lộ và nhận hối lộ được xác định rõ ràng, ngay từ đầu. Còn với tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì không có sự thỏa thuận và không được xác định rõ ràng ngay từ đầu.

Về mặt ý chí, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì không có sự thỏa thuận từ trước giữa người phạm tội và nạn nhân (người bị thiệt hại về tài sản) về hành vi làm “trái công vụ”. Việc làm trái trái công vụ là do đơn phương ý chí của người thi hành công vụ vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân chứ không có thỏa thuận trước về ý chí. Còn tội "Đưa hối lộ" và tội "Nhận hối lộ" thì có sự thỏa thuận thống nhất về mặt ý chí giữa các bên trong việc thực hiện công vụ nhằm có lợi cho người đưa tiền, đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phí vật chất.

Như vậy có rất nhiều căn cứ, tiêu chí khác nhau để đánh giá, phân biệt giữa tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" với tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ". Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ các yếu tố trên để xác định tội danh và làm cơ sở để Toà án xác định mức hình phạt đối với bị can.

Theo Luật sư Cường, trong vụ án này cơ quan chức năng sẽ làm rõ từng trường hợp, làm rõ các mối quan hệ giữa các bên, làm rõ sự thỏa thuận của các bên để xác định hành vi là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay là hành vi đưa và nhận hối lộ để giải quyết cho đúng bản chất của vấn đề.  

Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các hành vi của lực lượng chức năng, các đơn vị vận tải hoặc hành vi vì lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất mà cho phép các phương tiện, các đối tượng không thuộc trường hợp ưu tiên tham gia giao thông bằng cách cấp thẻ "luồng xanh" trái pháp luật là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.

HỒNG HẠNH

Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai

Lê Minh Hoàng