/ Góc nhìn
/ Cơ chế đặc thù nên nhân rộng cho các địa phương trong cả nước

Cơ chế đặc thù nên nhân rộng cho các địa phương trong cả nước

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thời gian qua, một số tỉnh, thành được cơ quan có thẩm quyền, mà cụ thể là Quốc hội ban hành luật, nghị quyết cho phép được sử dụng cơ chế đặc thù, như Hà Nội là Luật Thủ đô, với TP. Hồ Chí Minh là Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù như cho phép HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố; được quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí...

Ảnh minh họa.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ. Như vậy, cùng với Đà Nẵng, trước đây đến nay đã có 08/63 địa phương cấp tỉnh được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù riêng.

Có thể nói, việc trao cho các địa phương cơ chế đặc thù là để phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh của từng địa phương đẩy nhanh tăng trưởng, phát triển của địa phương, của vùng và thúc đẩy sự phát triển nhanh bền vững của cả nước. Đồng thời, nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng đối với xây dựng phát triển đất nước như đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế là Nghị quyết 54-NQ/TW; tỉnh Nghệ An là Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo 55-TB/TW; TP. Hải Phòng là Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị… Mặt khác, việc trao cơ chế đặc thù còn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố, nhất là trong việc thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội.

Tuy vậy, các cơ chế, chính sách đặc thù cần bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị. Đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quy định…

Đặc biệt, cơ chế đặc thù phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tác động lan tỏa vùng miền gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các địa phương này.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trên cơ sở kết quả thực hiện cơ chế đặc thù ở các địa phương thì cơ quan có thẩm quyền cần nhân rộng cơ chế, chính sách đặc thù cho cả nước. Trước hết, trao cho các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng, tiếp đó là triển khai đồng loạt ra các địa phương khác. Bởi nhiều chính sách, cơ chế đặc thù đã phát huy hiệu quả, thiết thực trên thực tế, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng.

Việc triển khai nhân rộng các cơ chế đặc thù sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động quản lý, điều hành và phát triển đất nước. Bởi vì, khi đó không những tận dụng được những kinh nghiệm, chính sách hay, hợp lý mà còn giải quyết, khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc tồn tại lâu nay góp phần tạo đà thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng…

Điều này cũng nhằm đảm bảo lợi ích chung của cả đất nước, tạo ra sự công bằng, hợp lý giữa các địa phương và người dân cả nước chứ không nên 'ưu ái' riêng cho địa phương nào.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

 Khó khăn, vướng mắc khi áp dụng biện pháp dẫn giải bị hại theo BLTTHS năm 2015

Lê Minh Hoàng