/ Đời sống - Xã hội
/ Cờ Đỏ khó nhọc đổi thay

Cờ Đỏ khó nhọc đổi thay

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Huyện Cờ Đỏ, nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của TP. Cần Thơ (Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng vào ngày 10/11/1929), giàu truyền thống cách mạng, sau giải phóng có Nông trường Sông Hậu lừng danh trong nông nghiệp. Thị trấn huyện ở vùng sâu xa xôi hẻo lánh, chục năm nay đổi thay mạnh mẽ phải vượt qua nhiều nỗi khó nhọc, điển hình như dự án Chỉnh trang đô thị và Cải thiện Môi trường sống khu trung tâm.

Vợ chồng, con cháu ông Nguyễn Văn Chín và cựu Trưởng ấp La Thanh Hùng (phải) trước dãy nhà mọc lên trên khu đất sình lầy hồi nào.

Niềm vui nơi vốn sình lầy 

Ông Nguyễn Văn Chín 84 tuổi, ấp Thới Thuận (thị trấn Cờ Đỏ) thảnh thơi bước trên con đường nhựa khang trang. Được hỏi chuyện cuộc sống xưa nay, ông vui vẻ kể, trước đây khổ lắm, mảnh đất nhỏ mua giấy tay cất nhà cây lụp xụp, hai vợ chồng và con cháu ở chen chúc, dự án mở ra được tái định cư nền ngang 4,5m dài 11m, cất nhà tường ở thoải mái yên ổn. Chỉ riêng đường đi, ông cho biết, trước đây đường đất lầy lội, phải xin đá về rải mới được lối nhỏ cho đỡ lầy, chứ đâu dám mơ đường phố rộng rãi chạy ngang trước nhà như bây giờ.

Nghe trò chuyện râm ran, vợ ông Chín trong nhà bước ra kể thêm: Đất mua bán giấy tay khi giải tỏa có được bồi hoàn, còn đất tái định cư thì phải mua nhưng giá rẻ, một mét vuông chỉ hơn 2 triệu đồng.

“Nhờ đó, gia đình tôi thêm chút ít mà có nhà ở cao ráo từ năm 2014 đến nay”, bà nói.

Ông Chín tươi cười tiếp lời: “Chứ nếu đất tái định cư mà bán giá thị trường thì nhà tôi không có tiền mua, chắc phải xuống gầm cầu ở”.

Kế bên nhà ông bà Chín là nhà anh La Thanh Hùng, cựu Trưởng ấp Thới Thuận. Anh Hùng cho con số tổng thể của ấp khi mở ra dự án, cả ấp có 148 hộ có hộ khẩu chính thức và hơn 90 hộ tạm trú. Có hộ khẩu chính thức đương nhiên được tái định cư, còn những hộ tạm trú thì phải xem xét cụ thể điều kiện đất đai, thời gian sinh sống rồi căn cứ vào quy định mà được tái định cư hay không. Nói rồi, anh Hùng đưa tay chỉ quanh khu dân cư nhà tường san sát: “Chục năm về trước đây là khu ruộng, mương, sình lầy không có đường đi. Muốn đi đâu phải lội bộ ra ngoài xa mới có lộ mà cũng là lộ nhỏ, chạy xe máy rất khó khăn. Dự án chỉnh trang đô thị mở mang khu dân cư, làm đường sá cao ráo, con cái đi học dễ dàng, cuộc sống đổi thay vui vẻ”.

Con đường trung tâm thị trấn được mở rộng 40m phát triển những dãy phố cao tầng và chợ Cờ Đỏ sầm uất.

Trung tâm huyện khang trang

Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ Nguyễn Đức Huy giới thiệu, thị trấn có 3.450 hộ, diện tích tự nhiên 830,4ha, với 9 ấp. Trước đây, trung tâm thị trấn cũng chỉ có vài con đường nhỏ rải đá hoặc tráng nhựa, còn lại là đường đất lầy lội, nhà cửa người dân lụp xụp, chợ bám theo bờ kênh mua bán từ xưa cảnh chật chội.

Dự án Chỉnh trang đô thị và Cải thiện Môi trường sống tại thị trấn Cờ Đỏ, mở ra ở ấp Thới Thuận, Thới Bình và Thới Trung ảnh hưởng 415 hộ dân. Với diện tích 16,5ha, trong đó, đất để mở rộng hai con đường chính là 2,34ha, người dân tự cải tạo 2,25ha, còn 11,9ha do Công ty Cổ phần Đầu tư CADIF thực hiện việc chỉnh trang. Việc chỉnh trang gồm làm mới hàng chục con đường, xây dựng các khu dân cư, chợ, cầu tàu; có 9 hộ đủ điều kiện giao nền tái định cư và 237 hộ đủ điều kiện mua nền tái định cư. 

Hàng trăm hộ dân đã cất nhà từ một đến nhiều tầng, mở cơ sở kinh doanh. Con đường chính qua trung tâm huyện trước kia nhỏ khó đi, bây giờ rộng 40m có giải phân cách cứng, hai chiều xe chạy nhộn nhịp. Quang cảnh khu trung tâm đổi thay mạnh mẽ, ánh sáng văn minh hiện đại thúc đẩy cuộc sống sản xuất, kinh doanh, học hành phát triển, đẩy lùi lạc hậu xưa cũ. 

Chủ tịch Nguyễn Đức Huy kể nhiều về khu chợ Cờ Đỏ, điển hình cho sự đổi thay ở trung tâm thị trấn. Chợ hình thành từ xưa như mọi miền quê sông nước, ban đầu việc buôn bán mở tại nhà mà dân cư thì sống bám theo các bờ sông, thành ra chợ cũng phát triển theo bờ sông. Càng ngày chợ càng đông thì cũng ngày càng chật chội, bức bối. “Chợ Cờ Đỏ cặp kênh xáng Thốt Nốt qua thời gian đã xuống cấp trầm trọng mà không thể nâng cấp nên nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Hồi trước chợ ở ấp Thới Hòa A, khi mở dự án ở ấp Thới Thuận đã dành 7.751m2 để xây dựng hai nhà lồng là nhà lồng bách hóa và nhà lồng rau củ quả, rồi vận động bà con tiểu thương dời sang. Bây giờ chợ khang trang, buôn bán không ngừng phát triển”, Chủ tịch Huy nói.

Hai nhà lồng chợ có tổng cộng 452 lô, mỗi lô rộng 8,5m2. Nơi buôn bán ngăn nắp, trật tự, đảm bảo vệ sinh, an toàn phòng cháy. Quản lý chợ cho biết, các hộ tiểu thương đồng lòng xây dựng tiêu chuẩn chợ văn minh.

Khu chợ cá cũ bà con xin tự cải tạo, nay chật chội, tối tăm bên lối đi nhỏ hẹp, quanh co.

Day dứt góc khuất

Đang vui chuyện chợ đổi thay, chợt chuyện buồn cũng về chợ. Đó là khu vực chợ cá cũ ở ấp Thới Thuận, khi mở ra dự án thì việc kinh doanh đang cho lợi nhuận. Bà con tiểu thương kiến nghị được tự cải tạo, thế là điều chỉnh quy hoạch để 2,25ha cho người dân tự cải tạo. Kết quả hôm nay, mạn phía ngoài gần đường lớn, bà con cải tạo khá ổn, còn mạn trong vẫn chật chội, tối tăm bên lối đi nhỏ hẹp, quanh co.
Khu chợ cũ mạn trong càng lộ rõ sự lạc hậu khi khu chợ mới mạn ngoài được xây dựng khang trang, và khu chợ mới kinh doanh ngày càng nhộn nhịp thì chợ cũ ngày càng vắng vẻ, buôn bán khó khăn. Hồi năm 2015-2016, chấp thuận cho bà con tự cải tạo, Công ty Cổ phần Đầu tư CADIF đã hỗ trợ 2 tỉ đồng nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, đường đi, cống thoát nước. Tuy nhiên, không thay đổi được nền tảng lạc hậu. 

Chủ tịch Huy nói, khu này có 80 hộ, tự cải tạo cách gì cũng không thoát được tình trạng xuống cấp, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Thị trấn đang kiến nghị huyện hỗ trợ lập quy hoạch cải tạo, làm lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách bài bản, hy vọng sẽ đẹp gần bằng các khu vực của dự án, để phát triển. “Bây giờ mới thấy tiếc, nếu hồi đầu lấy luôn cho dự án chỉnh trang thì ngon, khỏi phải day dứt lo lắng”, Chủ tịch Huy cho biết.

Trong dự án Chỉnh trang đô thị và Cải thiện Môi trường sống cũng còn một vài góc tối khác nữa. Như đoạn bờ sông Thốt Nốt đang khiến dự án bế tắc, chậm trễ. Đoạn này được quy hoạch làm bờ kè bằng ngân sách, nhưng việc giải tỏa các hộ dân và làm con đường dọc bờ sông thuộc dự án “Chỉnh trang đô thị và Cải thiện Môi trường sống”. Có 55 hộ dân cất nhà theo lề sông sinh sống và buôn bán, trong đó 22 hộ cần tái định cư và UBND huyện Cờ Đỏ đã giải quyết, còn lại không đủ tiêu chuẩn tái định cư (có nhà ở nơi khác, lấn chiếm đất công…) dùng dằng chưa chịu di dời. Cho nên, dự án làm đến đây đang phải dừng lại, cho thấy hai phần đối nghịch nhau: phần đã chỉnh trang với nhà cửa cao rộng thì thiếu con đường để phát triển, phần sát bờ sông vẫn thấp trũng, chật chội, rách rưới, cuộc sống ẩn chứa nhiều rủi ro.

 Dãy nhà ở lề sông Thốt Nốt (bên phải) thấp trũng, chật chội, rách rưới đối nghịch với phần đô thị đã chỉnh trang cao rộng bên trái.

Trước nghịch cảnh, cán bộ và người dân địa phương đều có suy những suy tư. Phát triển là điều ai cũng mong muốn nhưng thay đổi quả có khó khăn, nhất là thay đổi chính mình, thói quen, tư duy. Tuy nhiên, người đã vui vẻ đổi thay hay còn đắn đo tính toán thảy đều tin rằng cuộc sống bất luận thế nào vẫn tiếp tục đà đổi thay mạnh mẽ. Dẫu có khó nhọc, Cờ Đỏ cũng sẽ vượt qua mọi trở ngại bởi vùng đất giàu truyền thống cách mạng, giàu năng lực đi tới. 

SÁU NGHỆ

Căn cước công dân gắn chip được tích hợp các loại giấy tờ gì?

Lê Minh Hoàng