/ Tư vấn
/ Có được sử dụng máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc để đối chứng kết quả với máy của lực lượng chức năng?

Có được sử dụng máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc để đối chứng kết quả với máy của lực lượng chức năng?

12/04/2023 09:29 |

(LSVN) - Hiện nay, trên mạng rao bán rất nhiều các loại máy đo nồng độ cồn giá rẻ, nhiều người dân đã tự ý mua về sử dụng. Bộ Công an cho tôi hỏi, người dân có được sử dụng máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc để đối chứng kết quả với máy đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng không? Việc sử dụng máy đo nồng độ cồn được căn cứ theo quy định nào? Bạn đọc P.N. hỏi.

 

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở) để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức có thể cung cấp dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do mình thu được cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt.

Nếu dữ liệu đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 17 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật

1. Yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật:

a) Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;

c) Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;

d) Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

2. Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp và hợp tác với người có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu.

PV

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định về hòa giải tranh chấp đất đai

Bùi Thị Thanh Loan