/ Luật sư - Bạn đọc
/ Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi tấn công website ‘luồng xanh’ quốc gia

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi tấn công website ‘luồng xanh’ quốc gia

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, tùy theo tính chất, động cơ và mức độ gây thiệt hại từ cuộc tấn công ghi nhận được từ cơ quan điều tra, các đối tượng liên quan có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

  Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.

Theo thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, hiện nay đang xuất hiện những đối tượng thực hiện hành vi tấn công vào phần mềm đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) đối với vận tải hàng hóa. Có thể thấy, trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm và cấp bách, hệ thống dữ liệu “luồng xanh” đặc biệt quan trọng này đang đóng vai trò phục vụ nhiệm vụ chính trị cấp thiết của đất nước, cho phép các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu ra, vào, hoặc đi qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc các đối tượng thực hiện hành vi tấn công vào phần mềm đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) gây cản trở, khó khăn trực tiếp cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hệ quả của hành vi này là việc rất nhiều xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu như thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt… cho các địa điểm đang có dịch bệnh hoành hành và diễn biến phức tạp không thể kịp thời chi viện, gây tình trạng khan hiếm, không đảm bảo được cuộc sống hằng ngày cũng như sức khỏe của người dân để chống lại dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu các xe này chở các thiết bị hỗ trợ dịch bệnh như máy thở, khẩu trang y tế… mà không đến kịp thời do không có giấy phép thông hành có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. 

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, trên phương diện pháp luật, hành vi tấn công vào hệ thống đăng ký giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code của các chủ thể là hành vi xâm phạm nghiêm trọng vào hệ thống an ninh quốc gia. Hệ thống dữ liệu “luồng xanh” đặc biệt quan trọng này đang phục vụ nhiệm vụ chính trị cấp thiết của đất nước, cho phép các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu ra, vào, hoặc đi qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, nếu có hành vi tấn công vào hệ thống quốc gia đặc biệt này của các đối tượng sẽ mang dấu hiệu của hành vi tấn công mạng được quy định tại Điều 19 Luật An ninh mạng năm 2018. Cụ thể là hành vi gây cản trở, rối loạn, làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền đưa dữ liệu của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử (điểm b khoản 1 Điều 19 Luật An ninh mạng năm 2018).

Tùy theo tính chất, động cơ và mức độ gây thiệt hại từ cuộc tấn công ghi nhận được từ cơ quan điều tra, các đối tượng liên quan có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý vi phạm hành chính

Về xử lý vi phạm hành chính, căn cứ theo khoản 2, Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng, một trong các hành vi hành vi (i) truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; (ii) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; (iii) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; (iv) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép hoặc (v) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng, đối tượng thực hiện là cá nhân có thể bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức phat trên sẽ là gấp 02 lần nếu đối tượng thực hiện là tổ chức. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là người nước ngoài còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi tấn công mạng nhằm vào hệ thống đăng ký giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có dấu hiệu của tội "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy, mạng viễn thông, phương tiện điện tử" theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy theo số tiền thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại mà người vi phạm có thể phải chịu mức phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo thông tin ghi nhận được từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, các đối tượng tấn công vào website đăng ký thẻ nhận diện “luồng xanh” quốc gia cho phương tiện vận tải (giấy nhận diện phương tiện có mã QR) nhằm mục đích phá hoại và làm tê liệt hệ thống. Cụ thể, các cuộc tấn công đã làm cho hệ thống thường xuyên bị treo, làm gián đoạn khiến cho cácn bộ xử lý tại các Sở Giao thông Vận tải không thể phê duyệt hồ sơ, đơn vị vận tải không thể truy cập hệ thống để đăng ký trong nhiều giờ. Hiện các cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng tấn công và địa điểm tấn công nên chưa thể tìm ra được mục đích chính của các chủ thể đối với hành vi này là gì. Có thể, đây là một trong những hành vi chống phá Nhà nước của các phần tử phản động nhằm cản trở hoạt động của hệ thống quốc gia, gây rối công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Nhà nước. Tuy nhiên, dù vi phạm với mục đích gì, nếu các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm khi điều tra được đều sẽ bị xử lý về hành vi tấn công mạng được quy định tại Điều 19 Luật An ninh mạng năm 2018. Khi đó, tùy theo tính chất, động cơ và mức độ gây thiệt hại từ các cuộc tấn công này được ghi nhận từ phía cơ quan điều tra, các đối tượng liên quan có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm bồi thường

Việc hệ thống cấp thẻ "luồng xanh" bị tấn công sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ và làm gián đoạn việc cấp mã QRCode cho các phương tiện vận tải như: dẫn đến tình trạng chậm, nghẽn mạng, bị treo máy khiến doanh nghiệp không nộp được hồ sơ. Từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến một số phương tiện chưa được cấp mã QRCode có nhu cầu lưu thông phục vụ vận tải hàng hoá thiết yếu.

Bên cạnh đó, vì hệ thống không thể xử lý được và không cho các phương tiện qua chốt có thể dẫn đến chất lượng hàng hóa của các đơn vị bị ảnh hưởng, hư hỏng, dẫn đến tổn thất về kinh tế đối với các đơn vị này. Các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch cũng sẽ không đến kịp nơi để phục vụ trong tình hình cấp thiết của đất nước ở bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện nay. Đây là những ảnh hưởng vô cùng lớn cần sớm được khắc phục và giải quyết để mọi hoạt động và phương tiện được trở lại như ban đầu.

Bên cạnh đó, để xác định việc các đối tượng xâm nhập trái phép vào hệ thống “luồng xanh” gây thiệt hại và hậu quả như thế nào, mức bồi thường ra sao các cơ quan điều tra cần xác định hành vi, mục đích của những hacker đã xâm nhập hệ thống nêu trên, đã gây ra hậu quả gì? Thiệt hại là bao nhiêu? Liệu thông tin và dữ liệu có bị đánh cắp, thay đổi hoặc xóa bỏ hay không? Từ đó, xác định mức bồi thường tùy theo tính chất và mức độ vụ việc.

Nếu xét thấy việc xâm nhập trên gây hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế, tài chính, công tác phòng chống dịch Covid-19 thì những đối tượng đó hoàn toàn phải chịu xử phạt theo quy đinh của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại với những hành vi gây ra.

Tăng cường hơn nữa việc quản lý

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu, đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp được lưu thông thông suốt, an toàn và bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, trước hết các lực lượng chức năng cần tạo thuận lợi cho phương tiện này như:

Trong trường hợp các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QRCode) còn hiệu lực, người điều khiển phương tiện có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm), lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát không cần kiểm tra các phương tiện này khi lưu thông qua chốt để tránh tình trạng ùn tắc kéo dài.

Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 nhưng chưa được cấp mã QR Code nhưng người điều khiển phương tiện đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát nên cho xe lưu thông qua chốt.

Ngoài ra, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cần bố trí các chốt kiểm soát được tổ chức thành nhiều điểm, các điểm có khoảng cách và diện tích phù hợp, lực lượng chức năng thực hiện phân loại phương tiện để đưa vào kiểm soát tại từng điểm, không kiểm tra phương tiện trên đường để đảm bảo tuyệt đối không ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.

Hơn hết, cần sớm truy tìm những kẻ đã tấn công vào hệ thống cấp Giấy nhận diện phương tiện của Tổng cục và thực hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

YÊN NHI

Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng