/ Kinh tế - Pháp luật
/ Công khai số thu phí của doanh nghiệp để người dân giám sát

Công khai số thu phí của doanh nghiệp để người dân giám sát

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đối với quy định công khai hoạt động khai thác, công khai số thu phí của doanh nghiệp trong dự thảo Nghị định đảm bảo tính minh bạch để mọi người dân có quyền thông tin, giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp có đúng với sự cho phép và quản lý của nhà nước hay không.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Trong đó, đối với quy định công khai hoạt động khai thác, công khai số thu phí của doanh nghiệp trong dự thảo Nghị định đảm bảo tính minh bạch để mọi người dân có quyền thông tin, giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp có đúng với sự cho phép và quản lý của nhà nước hay không. 

Từ đó, người dân có thể phát hiện, phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những sai phạm, tiêu cực; xử lý kịp thời những phát sinh liên quan đến đời sống của người dân nơi có hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra.

Về tác động đối với thu ngân sách nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính, đối với nhóm khoáng sản thu được từ việc thực hiện các dự án, công trình xây dựng, giao thông (không áp dụng mức khoáng sản tận thu 60%)... NSNN dự kiến sẽ tăng thu 40% từ đối tượng này khi nghị định được ban hành và có hiệu lực thực hiện.

Đối với khung mức phí áp dụng đối với đất, đá, cát sỏi, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; đá nung vôi, đá sản xuất xi măng và đá làm khoáng chất công nghiệp sau khi được dự thảo điều chỉnh sẽ tăng 150% số thu từ khoáng sản này. Theo đó, số thu của các địa phương với khoáng sản này sẽ tăng tương ứng với dự kiến điều chỉnh của dự thảo nghị định.

Ví dụ như tại Nghệ An và Thái Nguyên có số thu phí của năm 2021 đối với khai thác đá nung vôi, đá làm xi măng và đá làm khoáng chất công nghiệp đạt lần lượt là: 56 tỉ đồng và 16 tỉ đồng/năm (đang áp dụng mức phí tối đa trong khung hiện hành). Như vậy, nếu áp dụng mức tối đa sau khi điều chỉnh thì số thu sẽ tăng tương ứng là 84 tỉ đồng và 24 tỉ đồng/năm tại mỗi tỉnh. Đây là nguồn thu đáng kể của ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

VĂN QUANG

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

Lê Minh Hoàng