/ Pháp luật - Đời sống
/ Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được giảm án tại phiên phúc thẩm

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được giảm án tại phiên phúc thẩm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chiều 30/9, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và các bị cáo khác có kháng cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được giảm án.

Tại tòa, Hội đồng xét xử cho biết, bị cáo Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế giữ nguyên đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Cường đã cung cấp thêm tổng cộng là 31 bằng khen, giấy khen của bị cáo, của vợ và gia đình bị cáo. Khi còn đương chức, bị cáo Trương Quốc Cường đã chủ động có đơn gửi cơ quan điều tra, nhờ làm rõ khi phát hiện vụ việc có vấn đề.

Hội đồng xét xử nhận định, về tố tụng, đơn của các bị cáo đều được chấp nhận để xem xét. Trong quá trình điều tra, xét xử đã thực hiện đúng thẩm quyền, không có khiếu nại về cấp sơ thẩm, do đó xác định là hợp pháp. Tại phiên phúc thẩm, một số bị cáo trình bày thêm tình tiết giảm nhẹ mới.

Tòa cấp phúc thẩm xác định nội dung bản án sơ thẩm được xác định là chính xác. Bị cáo Trương Quốc Cường và các bị cáo khác đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét thấy có cơ sở để giảm nhẹ cho bị cáo Trương Quốc Cường và Phạm Anh Kiệt, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn vì các bị cáo đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ như giấy khen, bằng khen tại phiên phúc thẩm.

Do vậy, bị cáo Trương Quốc Cường và Phạm Anh Kiệt mỗi người được tòa phúc thẩm tuyên giảm án 1 năm tù so với mức án sơ thẩm. Như vậy, trong vụ án này, ông Trương Quốc Cường phải chấp hành mức án 3 năm tù (sơ thẩm tuyên 4 năm tù) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phạm Anh Kiệt lĩnh 16 năm tù (sơ thẩm tuyên 17 năm tù) về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Đối với các bị cáo còn lại có đơn kháng cáo nhưng Tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, do không thấy có cơ sở để giảm án, gồm: Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma); Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma); Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng Công ty VN Pharma); Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C); Nguyễn Thị Quyết (nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma). 

Theo Hội đồng xét xử, năm 2007, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) và nhóm bị can tại doanh nghiệp này cùng Công ty H&C cấu kết làm giả các hợp đồng mua bán thuốc, đánh tráo vỏ thuốc Helix Canada thành thuốc nhãn mác Health 2000 Canada. Sau đó, nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc mang nhãn Health 2000 Canada.

Thời điểm đó, ông Trương Quốc Cường giữ chức Cục trưởng Quản lý Dược kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế được giao quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định việc cấp số đăng ký thuốc. Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường và các cựu cán bộ tại Cục Quản lý Dược đã để xảy ra nhiều sai phạm. Hậu quả, các bộ hồ sơ từ VN Pharma trình lên không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định. Từ đó, lô thuốc giả có tổng trị giá hơn 148 tỉ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ hết tại Việt Nam. Ông Trương Quốc Cường bị xác định gây thiệt hại hơn 3,7 tỉ đồng và đã nộp khắc phục hậu quả. Công ty VN Pharma đã thu lời bất chính hơn 31 tỉ đồng.

PV

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Loan B T Thanh