/ Tích hợp văn bản mới
/ Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng

Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Đã có Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Theo đó, Quy định 22-QĐ/TW quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với các tổ chức Đảng và Đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định 22-QĐ/TW áp dụng đối với tổ chức Đảng và Đảng viên, bao gồm cả tổ chức Đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; Đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Cụ thể, tại Điều 2 của Quy định 22-QĐ/TW này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ các nguyên tắc cần tuân theo trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng gồm:

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng và Đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra.

Tổ chức Đảng cấp trên kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng cấp dưới và Đảng viên. Tổ chức Đảng, Đảng viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo sự phân công của tổ chức Đảng có thẩm quyền.

Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và Đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.

Tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh.

Mọi tổ chức Đảng và Đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ.

Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật Đảng được quy định tại Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mọi tổ chức Đảng và Đảng viên phải tuân thủ nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên được thống nhất, chặt chẽ, công minh, chính xác, kịp thời.

Ngoài ra, tại Điều 3 trong Quy định 22-QĐ/TW này, cũng đã giải thích và định nghĩa những từ ngữ như sau:

Ủy ban kiểm tra các cấp được lập từ Đảng ủy cơ sở trở lên, do cấp ủy cùng cấp bầu, gồm một số thành viên trong cấp ủy và một số thành viên ngoài cấp ủy. Các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoạt động chuyên trách. Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, quận ủy, huyện ủy, thị ủy, thành ủy (thuộc tỉnh ủy, thành ủy) và tương đương có thành viên kiêm nhiệm là trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức cấp ủy là cấp ủy viên, chánh thanh tra cùng cấp (nếu có).

Cơ quan ủy ban kiểm tra là cơ quan tham mưu, giúp ủy ban kiểm tra cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của cấp ủy.

Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức Đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và Đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Giám sát của Đảng là việc các tổ chức Đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới và Đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

Hình thức giám sát có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh.

Chủ thể kiểm tra, giám sát gồm: Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, BTV Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cơ sở; Cấp ủy, BTV Cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; UBKT; Các ban Đảng, Văn phòng Cấp ủy (gọi chung là các cơ quan tham mưu, giúp việc của Cấp ủy); Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn (là chủ thể kiểm tra).

Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm (nếu có) và kết luận đối với tổ chức Đảng, Đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả nhiệm vụ cấp trên giao.

Đối tượng kiểm tra, giám sát gồm: Chi ủy, Chi bộ, Đảng ủy bộ phận, BTV Đảng ủy cơ sở, Đảng ủy cơ sở; Cấp ủy, BTV cấp ủy, Thường trực Cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên; Ủy ban kiểm tra; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; Đảng viên.

Về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát thì phải chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, các quyết định, kết luận, yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát; báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực về các nội dung được yêu cầu.

Không để lộ nội dung kiểm tra, giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.

Được sử dụng bằng chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo, giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, việc tố cáo trong Đảng là việc công dân, Đảng viên báo cho tổ chức Đảng hoặc cán bộ, Đảng viên có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế, Kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước của tổ chức Đảng hoặc Đảng viên mà người tố cáo cho là gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân.

Thi hành kỷ luật trong Đảng là việc các tổ chức Đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và Đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật được quy định tại Khoản 2, Điều 35 Điều lệ Đảng.

Khiếu nại kỷ luật Đảng là việc tổ chức Đảng, Đảng viên bị thi hành kỷ luật thực hiện quyền của mình theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Đảng, đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật Đảng khi có căn cứ, cơ sở cho rằng quá trình kiểm tra, xem xét, quyết định kỷ luật đối với mình chưa đúng với quy định của Đảng, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức Đảng hoặc Đảng viên bị kỷ luật.

Khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng, Đảng viên là khi có những thông tin, tài liệu, phản ánh, đối chiếu cho thấy tổ chức Đảng hoặc Đảng viên không tuân theo, không làm hoặc làm trái với Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Quyết định, Quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kiểm tra tài chính Đảng là việc các tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có) của đối tượng kiểm tra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài chính, tài sản của Đảng.

Thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng là thời hạn mà khi hết thời hạn đó, Đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm Đảng viên thực hiện hành vi vi phạm đến khi tổ chức Đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.

Thời hạn kiểm tra, giám sát là thời gian được tính từ ngày chủ thể kiểm tra, giám sát công bố quyết định kiểm tra, giám sát hoặc ngày nhận được báo cáo của đối tượng kiểm tra, giám sát đến ngày kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát đó.

Mốc thời gian kiểm tra, giám sát sẽ được tính theo ngày làm việc, 01 năm tính đủ 12 tháng.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 28/7/2021 và thay thế Quy định 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016.

QUÝ MINH

Chính thức áp dụng mẫu hộ chiếu gắn chip mới

Lê Minh Hoàng