/ Tin tức
/ Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh: Việc 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án họp trước xét xử có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo?

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh: Việc 3 ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án họp trước xét xử có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo?

30/03/2023 11:15 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, sáng 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

 

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho biết, cách đây 2, 3 năm có nhận được phản ánh của Luật sư khi nghiên cứu hồ sơ tại Tòa thấy 1 biên bản họp giữa 3 ngành Tòa án, Kiểm sát, Điều tra. Do đó, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh chất vấn 4 câu hỏi: "Thứ nhất, hiện nay có còn hiện tượng 3 ngành: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án họp với nhau nữa hay không? Thứ hai, tại sao phải họp và thống nhất với nhau? Thứ ba, việc họp như vậy có đảm bảo tính độc lập xét xử của Toà án, của Thẩm phán không? Thứ tư, việc họp 3 ngành như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can, bị cáo trong các quan hệ tố tụng không?".

Liên quan đến vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, với những vụ án lớn, phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ họp. Tuy nhiên, ông khẳng định việc này không ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án.

"Các cơ quan họp để bàn giao tài liệu, thống nhất với nhau về lộ trình đưa vụ án ra xét xử, chứ không phải họp để bàn với nhau về tội danh, mức án, mức phạt hay gì cả", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trả lời chất vấn.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định tất cả vụ án lớn đều phải có sự phối hợp với nhau, từ Công an đến Viện Kiểm sát, Tòa án phải họp bàn với nhau. Việc phối hợp này là cần thiết để bàn giao hồ sơ, tổ chức phiên tòa cho đúng quy định pháp luật.

"Không có việc các cơ quan ngồi họp bàn ông này bao nhiêu năm, ông kia bao nhiêu năm hay thu của ông này cái gì, thu của ông kia cái gì", Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định và nhấn mạnh việc này không ảnh hướng tới độc lập tư pháp.

PV

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị

Bùi Thị Thanh Loan