/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đại dịch Covid-19: Áp dụng pháp luật về sự kiện bất khả kháng hay thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

Đại dịch Covid-19: Áp dụng pháp luật về sự kiện bất khả kháng hay thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến mọi mặt đời sống, trong đó có hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng. Xung quanh vấn đề này, vẫn còn các luồng ý kiến khác nhau về việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng hay sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh để giải quyết hợp đồng.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng không?

Đây là câu hỏi thu hút nhiều sự quan tâm, thể hiện quan điểm của đông đảo các tác giả. Đại đa số đều cho rằng dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, như: tác giả Nguyễn Hương[1]: “Nếu những hậu quả xảy ra dù trước đó đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể khắc phục được thì hoàn toàn có thể coi dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng”; hay nhóm tác giả Luật sư Lê Đình Vinh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà[2]: “Như vậy, với các sự kiện pháp lý nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định rằng dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong quan hệ hợp đồng”.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng “dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng” mà muốn xem xét vấn đề này cần đặt trong từng trường hợp cụ thể.

Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép. Theo đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng;

- Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;

- Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, chỉ khi đáp ứng các điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm. Theo đó, những hiện tượng thiên tai như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào,... là sự kiện bất khả kháng, điều này được áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Ngoài ra, các hiện tượng xã hội như chiến tranh, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ cũng là sự kiện bất khả kháng. Đáng chú ý, các bên có thể thỏa thuận những sự kiện khác: thiếu nhiên liệu, mất điện, lỗi mạng,... là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm khi vi phạm.

Hiện nay, vấn đề bất khả kháng còn quy định chung chung chưa bao quát được các trường hợp trong thực tế nên trong thực tiễn áp dụng các bên thường xuyên xảy ra tranh chấp liên quan đến việc xác định trường hợp được xem là bất khả kháng.

Ngày 29/01/2020, tại Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có mức độ lây lan nhanh, thuộc trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Đáng lưu ý, theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nước ta như: Dừng các hoạt động du lịch, kinh tế, xuất khẩu,… Cách ly người dân dẫn đến việc người lao động nghỉ làm, học sinh, sinh viên nghỉ học, thầy cô giáo nghỉ dạy,… Có thể thấy, những ảnh hưởng đến các hoạt động này là không thể khắc phục được.

Như vậy, đối chiếu với 03 điều kiện của sự kiện bất khả kháng chúng ta thấy:

- Đại dịch Covid-19 xảy ra khách quan: Đây là một loại đại dịch vô cùng nghiêm trọng, sức tàn phá và hậu quả của nó đã chứng minh cho nó là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của con người.

- Không lường trước được: Tại thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện, không ai có thể biết rằng đại dịch sẽ xuất hiện.

- Không thể khắc phục được: Nếu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 mà đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không khắc phục được hậu quả thì được xem là sự kiện bất khả kháng. Chính vì điều kiện này đã nảy sinh các quan điểm khác nhau, có người cho đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, có người lại không cho Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Do đó, để đánh giá thế nào là “không khắc phục được” theo quy định của pháp luật phải tùy từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào từng giai đoạn, từng địa phương và từng mức độ dịch khác nhau.

Ví dụ: Cùng là hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng hợp đồng 1 được giao kết giữa những người thuộc vùng lãnh thổ chỉ yêu cầu xét nghiệm, không áp dụng các biện pháp “ngăn sông cấm chợ” thì rõ ràng có những trường hợp hợp đồng vẫn có thể được thực hiện. Nhưng hợp đồng 2 lại được giao kết giữa những người thuộc vùng lãnh thổ bị áp dụng biện pháp cách ly người với người (như địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua) thì rõ ràng hợp đồng đã giao kết là không thể thực hiện được.

Thứ hai, đại dịch Covid-19 có phải hoàn cảnh thay đổi cơ bản không?

Như đã phân tích ở trên, trong nhiều trường hợp không thể coi đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Nhưng trong những trường hợp này, việc thực hiện hợp đồng lại vô cùng khó khăn. Do đó, giải pháp đưa ra là các bên có thể áp dụng quy định tại Điều 420 BLDS để giải quyết.

Theo đó, để xác định là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Như vậy, hoàn cảnh thay đổi cơ bản có nhiều điểm giống sự kiện bất khả kháng, điểm khác nhau cơ bản nhất đó là nếu sự kiện bất khả kháng thì phải “không thể khắc phục được”, còn trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì “hợp đồng vẫn có thể tiếp tục thực hiện” nhưng sẽ “gây thiệt hại nghiêm trọng” cho một bên.  Khi chứng minh được nếu thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại cho một bên thì sẽ áp dụng pháp luật trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Ví dụ: Nếu thực hiện hợp đồng thì sẽ phát sinh chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly, phí bảo quản, lưu kho trong thời gian chờ, phí khử khuẩn,… gây tổn thất cho bên bán.

Tuy nhiên, qua vấn đề này cũng đặt ra như thế nào là “không lường trước được”, như thế nào là “thiệt hại nghiêm trọng”. Đối với tính “không lường trước được” theo Điều 420 vẫn còn khá chung chung, vẫn tạo kẽ hở tương đối lớn khi áp dụng. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng chỉ cần chứng minh là hoàn cảnh đó mình không biết sẽ xảy ra trong tương lai là có thể yêu cầu được áp dụng. Có tình huống hoàn cảnh xảy ra sau khi giao kết hợp đồng, và bên bị ảnh hưởng cũng không biết là nó sẽ xảy ra, nhưng nếu bên này nghiên cứu kỹ càng, hợp lý thì vẫn có thể đoán trước hoàn cảnh có thể xảy ra.

Ví dụ trường hợp quốc gia đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh, trong khi thời điểm giao kết hợp đồng là trước thời điểm đóng cửa nhưng dịch Covid-19 đã xuất hiện. Lúc này, một bên vẫn có thể viện dẫn rằng “mình không thể biết được” quốc gia sẽ đóng cửa biên giới hay sẽ đóng vào khi nào, bên kia có thể viện dẫn “với diễn biến của dịch Covid-19, buộc phải dự liệu được trường hợp quốc gia đóng cửa biên giới”. Do vậy, tính “không thể lường trước” theo Điều 420 nên quy định chặt chẽ hơn, theo hướng bản chất của hoàn cảnh đó là không thể lường trước và theo diễn giải của PICC thì đó phải là sự không lường trước một cách hợp lý. Đối với “thiệt hại nghiêm trọng” cũng không được giải thích rõ. Tuy nhiên, theo tinh thần của nguyên tắc giao kết hợp đồng, thiệt hại nghiêm trọng ở đây có thể được hiểu là sự thiệt hại đó làm cho một bên không đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng, việc xác định trong từng trường hợp do Tòa án quyết định. 

Như vậy, đại dịch Covid-19 có thể là sự kiện bất khả kháng hay hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn tùy thuộc trường hợp cụ thể cũng như việc xem xét, đánh giá của chủ thể có thẩm quyền. Không thể có một khẳng định chung rằng đại dịch này có phải sự kiện bất khả kháng, hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về hai vấn đề này.

[1] Nguyễn Hương: Covid-19 có phải là “sự kiện bất khả kháng” không?: https://luatvietnam.vn/dan-su/covid-19-co-phai-la-su-kien-bat-kha-khang-khong-568-23893-article.html

[2] Lê Đình Vinh, Nguyễn Thanh Hà: Dịch Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng để doanh nghiệp được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng: /dich-covid-19-co-phai-la-su-kien-bat-kha-khang-de-doanh-nghiep-duoc-mien-thuc-hien-nghia-vu-theo-hop-dong1627401077.html. Tạp chí Luật sư Việt Nam, ngày 27/7/2021.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 và những bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Lê Minh Hoàng