/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Kết quả tích cực sau 05 năm thực hiện Đề án của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cư M’gar

Đắk Lắk: Kết quả tích cực sau 05 năm thực hiện Đề án của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cư M’gar

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2016 – 2020, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar đã tổ chức được 37 lớp nghề trình độ sơ cấp dưới 03 tháng với 1238 học viên, trong đó người DTTS là 1011 người, chiếm 82%.

Người đồng bào dân tộc thiểu số học nghề Xây dựng tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cư M’gar.

Những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Cư M'gar đạt được những kết quả tích cực. Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm. Để đạt được kết quả đó, hoạt động giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho các hộ nghèo học tập, áp dụng vào đời sống lao động, sản xuất đóng vai trò quan trọng giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số và Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn (2016 – 2020), Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cư M’gar đã đã tổ chức được 37 lớp nghề trình độ sơ cấp dưới 03 tháng với 1238 học viên với 09 ngành nghề đào tạo. Trung tâm đã liên kết với trường Cao đẳng Nông Lâm Trung bộ mở được 29 lớp trung cấp nghề với 795 học viên, trong đó DTTS là 631 học viên, chiếm 79% (kết hợp với học văn hóa của học viên khối GDTX).

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Cư M’gar đã nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình để chuyển giao cho lao động nông thôn và áp dụng cho dạy nghề như trồng hoa lyly trong nhà kính, trồng hoa lan mokara trong nhà lưới, trồng nấm linh chi, trồng dưa lưới trong nhà kính, trồng rau sạch… Bước đầu cũng đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực hiện đang còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức nên hiệu quả chưa cao.

Trong năm 2017, Trung tâm cũng đã chế tạo thành công Lò hấp thanh trùng nấm tự động để phục vụ công tác dạy  nghề và tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ 6, năm 2017 và cuộc thi thiết bị tự làm tỉnh Đăk Lăk năm 2017. Kết quả sản phẩm đã đạt 2 giải nhì trong các cuộc thi.

Về kết quả sau đào tạo đối với nghề nông nghiệp, việc tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động trên cơ sở nhu cầu của họ và gắn với các công việc họ đang thực hiện tại gia đình như trồng chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu. Đối với nghề trồng và chăm sóc, khai thác cây cao su Trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với một số doanh nghiệp cao su tổ chức đào tạo, doanh nghiệp tiếp nhận vào làm công nhân hoặc bao tiêu sản phẩm đối với các hộ liên kết. Do đó trên 90% lao động học nghề có việc làm ổn định, đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong công việc.

Đối với nghề phi nông nghiệp, trung tâm tổ chức đào tạo trên cơ sở đăng ký của người học có xác nhận của chính quyền địa phương, tuy chưa có điều tra khảo sát nhưng trên cơ sở nắm bắt thông tin từ người học, có thể đánh giá sơ bộ hiệu quả của một số nghề như sau: Đối với nghề sửa chữa xe máy TTDN tổ chức đào tạo 3 lớp với 77 học sinh, trong quá trình đào tạo trung tâm đã chủ động liên hệ với các cơ sở, đại lý buôn bán, sửa chữa xe máy đăng ký tiếp nhận các em vào làm việc, một số em chủ động mở tiệm sau khi kết thúc khóa học, tuy nhiên tỷ lệ việc làm nghề này cũng không cao lắm. 

Đối với nghề sửa chữa máy nông nghiệp, đây là nghề phụ trợ đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do đó nhu cầu học nghề này để sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ nông dân là rất lớn và cần thiết, cần tiếp tục phát huy đào tạo trong thời gian tới; đối với các nghề may công nghiệp, người học nghề được giới thiệu vào làm việc tại công ty may Tây nguyên; Nghề tự giải quyết việc làm có hiệu quả cao như xây dựng dân dụng (trên 90% lao động có việc làm thường xuyên), nghề dệt thổ cẩm vừa mang tính bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tạo thêm việc làm và trao đổi hàng hóa trong cộng đồng dân tộc.Đối với nghề Xây dựng dân dụng thì 100% học viên sau khi kết thúc khóa học đều tự kiếm việc làm cho mình để nâng cao thu nhập cho gia đình, thông qua sự giới thiệu của giáo viên đứng lớp, và của một số học viên trong lớp.

Ông Phan Phú Sang – Phó Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cư M’gar cho biết, hiện nay tại Trung tâm đang triển khai 03 ngành nghề chính là nghề xây dựng, nghề nấu ăn và nghề kỹ thuật trồng chăm sóc cao su. Các học viên ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên quá trình giảng dạy giáo viên cũng không gặp phải khó khăn nào về vấn đề truyền đạt vì đa số các học viên đều thông thạo tiếng Kinh. 

“Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi không thể mở lớp đào tạo nghề nghiệp. Năm 2022, Trung tâm đã thực hiện xong chương trình đào tạo nghề cho 649 học viên, hiện đang chờ bế giảng vào thời gian tới”, ông Sang chia sẻ.

HƯƠNG TRẦN

Bị can cần nộp bao nhiêu tiền thì được tại ngoại?

Lê Minh Hoàng