/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Đắk Lắk: Thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là căn cứ để triển khai thực hiện trên mọi lĩnh vực, đời sống của cả nước và cho từng địa phương. Trong đó, về phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược, trên cơ sở đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 khâu đột phá nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII.

06 nhiệm vụ trọng tâm

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường. Ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, tự động hóa vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chú trọng phát triển du lịch và các dịch vụ: Giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, tài chính, logistics… Ưu tiên, tập trung phát triển du lịch, hướng đến du lịch chất lượng cao. Thu hút mạnh các nguồn lực để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: Cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tự động hóa… Khẩn trương quy hoạch, xây dựng, hình thành các khu công cao; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào các ngành, lĩnh vực gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh giáo dục; phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tập trung xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

03 khâu đột phá

Đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung phát triển khoa học – công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng nhanh và bền vững.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quan tâm phát triển y tế. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ; quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số bảo đảm cơ cấu, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, tránh hụt hẫng, không có tính kế thừa; thực hiện tốt chính sách cán bộ, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là Trung tâm Thể thao khu vực Tây Nguyên, Đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, Đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột.

Dự án Cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa.

Phát triển mạnh thương mại, logistics, du lịch, công nghiệp. Đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Lào, các tỉnh của Campuchia; xây dựng cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắk Ruê…

Triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, cùng với các cơ chế chính sách của Trung ương đối với tỉnh, đặc biệt là thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị chính là tiền đề, động lực để tỉnh Đắk Lắk phát triển, trở thành Trung tâm vùng Tây Nguyên.

LAM SƠN

Xử lý nghiêm việc trục lợi từ quyên góp, ủng hộ của người dân

Nguyễn Lâm