/ Góc nhìn
/ Đảm bảo việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có

Đảm bảo việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Giờ đây mọi sự đã thay đổi khi chủ trương thu hồi tài sản do tham nhũng mà có được đặt ra một cách quyết liệt: "Nếu không thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có thì việc chống tham nhũng là vô ích".

Ảnh minh họa.

Chi tiết gây chú ý dư luận trong việc khởi tố và bắt giam cựu Chủ tịch TP. Hạ Long (Quảng Ninh) là việc cơ quan điều tra thu giữ 04 xe ô tô loại sang của bị can. Ông này bị bắt bởi hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi giữ chức Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long.

04 chiếc xe ô tô bị thu giữ đó ước tính có giá trị hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, “bằng mắt thường” cũng nhận thấy rõ bị can đang sở hữu nhà riêng là ngôi biệt thự có giá thành vài chục tỉ trên khu đất giá trị hàng trăm tỉ.

Câu hỏi đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến khi biết chuyện là: Tài sản đó từ đâu mà có? Câu trả lời như một sự mặc định: Không tham nhũng thì lấy ở đâu ra! Không ai ngây thơ tin rằng những tài sản của các cán bộ đương chức hay đã về hưu là do “làm thối móng tay”, “chạy xe ôm”, “buôn chổi đót”, “em gái nuôi cho”,… mà có. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ người ta coi tài sản là bất minh chỉ khi không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nó và nguồn gốc rất vô lý mà chủ sở hữu tài sản đưa ra như kể trên lại được chấp nhận và coi đó là tài sản chính đáng. Thực tế giải quyết các vụ việc về khối tài sản khổng lồ của các quan chức bị phanh phui đã minh chứng nghịch lý này và tất nhiên, tài sản đó là hợp pháp(?!).

Giờ đây mọi sự đã thay đổi khi chủ trương thu hồi tài sản do tham nhũng mà có được đặt ra một cách quyết liệt: “Nếu không thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có thì việc chống tham nhũng là vô ích”. Vì thế, các cơ quan tố tụng đã chú ý đến việc phong tỏa tài khoản, câu lưu tài sản của các bị can liên quan đến tội phạm tham nhũng hoặc tội phạm kinh tế. Động thái này nhằm đảm bảo cho việc thi hành án dân sự để thu hồi tài sản sau khi có bản án diễn ra một cách thuận lợi hơn, chấm dứt tình trạng chỉ thu hồi được một phần rất nhỏ khi thi hành án. Mặt khác, pháp luật khuyến khích việc tự giác nộp những khoản tiền do nhận hối lộ hoặc tham ô hay phải đền bù thiệt hại và coi đó là tình tiết giảm nhẹ, thực tế có trường hợp đã thoát án tử hình khi nộp đủ số tiền mình nhận hối lộ ngay tại phiên tòa.

Việc phong tỏa tài khoản hoặc bất động sản, thu giữ động sản có giá trị giống như một sự công khai hóa tài sản mà bị can đang sở hữu. Điều này không chỉ hạn chế việc tẩu tán tài sản mà còn ngăn chặn từ đầu việc chiếm đoạt và xâu xé tài sản của chủ sở hữu tài sản khi đang vướng trong vòng tố tụng. Bài học về tử tù Liên Khui Thìn kiện đòi lại khối tài sản khổng lồ của mình bị chiếm đoạt khi ông còn ở trong tù đã minh chứng cho việc tùy tiện xử lý tài sản trong các vụ án và hàng chục năm sau giải quyết chưa xong, đồng thời cũng “mất” nhiều cán bộ “tay đã nhúng chàm”. Hoặc, cũng cần kịp thời ngăn chặn cách tẩu tán tài sản thường gặp là ly hôn, trường hợp mới đây của cựu Bí thư Bình Dương là một ví dụ.

Những động thái đảm bảo cho việc thu hồi tài sản do tham nhũng đã có hiệu quả tức thời cho thấy, không cần phải bổ sung bất cứ một điều luật nào, chỉ cần áp dụng và thực thi đúng những quy định pháp luật hiện hành, nghiêm túc và nghiêm minh, không tạo “kẻ hở” cho tội phạm luồn lách thì tất yếu, công bằng được thiết lập.

NHỊ NGỌC

Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hết sức cần thiết!

Lê Minh Hoàng